Thứ 7, 19/04/2025, 00:52

Chủ động đổi mới tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể

NGUYỆT THU 06:02, 15/04/2025

Trong bối cảnh cải cách nền hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động là yêu cầu tất yếu, hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội và hội đoàn thể quần chúng đang từng bước triển khai đề án sắp xếp lại đầu mối tổ chức từ Trung ương đến cấp cơ sở. Mục tiêu không chỉ là giảm số lượng đầu mối, mà còn đảm bảo tính liên tục, không gián đoạn nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời thích ứng tốt hơn với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội hướng đến tinh gọn bộ máy và không gián đoạn nhiệm vụ
Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội hướng đến tinh gọn bộ máy và không gián đoạn nhiệm vụ

ĐỒNG BỘ VỚI TINH THẦN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG

Sau khi Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) ban hành nghị quyết, kết luận liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể Trung ương đã chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng liên quan để tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Theo kế hoạch, việc hoàn thiện mô hình tổ chức cấp Trung ương phải hoàn thành trước ngày 25/4. Sau đó, sẽ tiến hành sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ Việt Nam, với thời hạn hoàn thành trước ngày 15/7. Cùng lúc, các tổ chức Đảng trong các đơn vị này cũng sẽ được cơ cấu lại sao cho phù hợp với mô hình mới, hạn cuối là ngày 30/6.

Ngoài ra, các đơn vị đang tích cực rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý cho việc sắp xếp lại đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp.

MỘT BAN - NHIỀU VIỆC, RÕ TRÁCH NHIỆM

Được biết, từ tháng 11/2024 đến nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ Đề án tinh gọn đầu mối tổ chức theo hướng: một ban, đơn vị đảm nhiệm nhiều việc; đồng thời, mỗi việc chỉ giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm chính, tránh chồng chéo và tăng hiệu quả phối hợp.

Việc tái cấu trúc mạnh mẽ đã giúp giảm số lượng đầu mối từ 16 ban, đơn vị cấp vụ xuống còn 8. Trong đó, nhiều hoạt động được chuyển giao hoặc sáp nhập, điển hình như: Ban Công tác phía Nam chấm dứt hoạt động, chức năng được chuyển thành một phòng trực thuộc Văn phòng Cơ quan với nhiệm vụ hỗ trợ, lễ tân tại khu vực phía Nam. Ban Dân tộc và Ban Tôn giáo được sáp nhập, đồng thời tiếp nhận thêm nhiệm vụ về công tác kiều bào, hình thành Ban Dân tộc, Tôn giáo và Kiều bào. Ban Đối ngoại và Kiều bào dừng hoạt động, công tác đối ngoại chuyển về Văn phòng Cơ quan, công tác kiều bào chuyển về ban mới nêu trên.

Các đơn vị báo chí như Tạp chí Mặt trận, Báo Người Công giáo Việt Nam cũng được sáp nhập vào Báo Đại đoàn kết nhằm tinh gọn truyền thông. Bảo tàng MTTQ Việt Nam được chuyển đổi mô hình thành đơn vị cấp phòng, trực thuộc Văn phòng Cơ quan. Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học kết thúc hoạt động, nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ được chuyển về Ban Tổ chức - Cán bộ, còn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao cho Ban Tuyên giáo.

Cùng với đó, cơ quan đang nghiên cứu thành lập bộ phận tham mưu riêng biệt về chuyển đổi số, và đang trong quá trình đổi tên Ban Phong trào thành Ban Vận động xã hội để phù hợp hơn với nội dung và định hướng hoạt động.

Ngày 28/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217-QĐ/TW, chính thức xác định tổ chức bộ máy của cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gồm 8 đầu mối: Ban Tổ chức - Cán bộ; Ban Vận động xã hội; Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội; Ban Dân tộc, Tôn giáo và Kiều bào; Ban Tuyên giáo; Văn phòng cơ quan; Báo Đại đoàn kết; Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Sau khi kiện toàn bộ máy, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã khẩn trương triển khai các chính sách cán bộ phù hợp với mô hình mới. Công tác rà soát, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động đang được tiến hành kỹ lưỡng. Đồng thời, các quy chế hoạt động cũng đang được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy trong giai đoạn mới.

ĐỒNG THUẬN CAO, ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CÁN BỘ

Thực tế triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW trong hệ thống MTTQ Việt Nam cho thấy sự đồng thuận cao từ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống. Việc sắp xếp được thực hiện với tinh thần thận trọng nhưng kiên quyết, đảm bảo không gây xáo trộn lớn, đồng thời luôn chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có chính sách phù hợp, bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Trong các kết luận mới nhất, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã giao nhiệm vụ cho Đảng ủy MTTQ và các đoàn thể Trung ương tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện mô hình tổ chức. Trong đó, có hai nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, chuyển về trực thuộc MTTQ Việt Nam, đảm bảo đồng bộ với cơ cấu tổ chức của Đảng. Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và quy định của Đảng liên quan, báo cáo Bộ Chính trị và trình ra Ban Chấp hành Trung ương trong tháng 4/2025.

Có thể khẳng định, việc thực hiện tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và các Kết luận 126, 127 của Bộ Chính trị đã tạo ra nền tảng quan trọng để hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống MTTQ Việt Nam, hướng đến một mô hình tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả hơn. Đây là bước đi cần thiết trong tiến trình cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn mới và thực hiện đồng bộ từ cấp Trung ương đến cơ sở.