Có lẽ không một nhà báo nào khi vào nghề cũng như quá trình đeo đuổi nghiệp mà không thấm nhuần và trăn trở với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập nền báo chí vô sản Việt Nam và cũng là người thầy vĩ đại của sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Trả lời được những câu hỏi ấy, chính là nhà báo đã khẳng định được giá trị nội dung, tính nghệ thuật của tác phẩm. Và theo tôi, chất lượng của một tờ báo trên cả hai mặt nội dung và hình thức đều phụ thuộc vào ba câu hỏi ấy!
[links()]Có lẽ không một nhà báo nào khi vào nghề cũng như quá trình đeo đuổi nghiệp mà không thấm nhuần và trăn trở với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập nền báo chí vô sản Việt Nam và cũng là người thầy vĩ đại của sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Trả lời được những câu hỏi ấy, chính là nhà báo đã khẳng định được giá trị nội dung, tính nghệ thuật của tác phẩm. Chất lượng của một tờ báo trên cả hai mặt nội dung và hình thức đều phụ thuộc vào ba câu hỏi ấy!
Trước hết, người làm báo phải xác định được mình viết cho ai? Từ đó tự hỏi vậy bạn đọc cần cái gì và tất yếu chúng ta phải mang đến cho độc giả những thông tin bổ ích mà họ cần chứ không thể chỉ một chiều là cái tác giả có.
Đối tượng báo Lâm Đồng là cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Là tiếng nói của Đảng, báo không thể xa rời mà phải bám sát tôn chỉ mục đích “là cơ quan ngôn luận của Đảng, tiếng nói của Chính quyền và diễn đàn của Nhân dân”. Từ thế giới quan là Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và tâm tư nguyện vọng của nhân dân, báo chí phải gắn với cuộc sống và với “phương pháp luận” biện chứng để phân tích, so sánh nhằm phát hiện, cổ vũ cái mới – cái tích cực, phê phán cái cũ – cái lạc hậu. Do vậy, Báo Lâm Đồng mà nòng cốt là cán bộ quản lý, biên tập viên, phóng viên không thể không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trau dồi phẩm chất, vốn sống, năng lực nghề nghiệp…
Kế tiếp là mục đích viết: thông qua phản ánh hiện thực, tác phẩm báo chí phải hướng người đọc tới “chân, thiện, mỹ” – tức là phải cùng với xã hội, với nhân dân tiếp tục cổ vũ, đấu tranh để “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”. Và cuối cùng là thể hiện tác phẩm một cách cô đọng, súc tích; hấp dẫn, lý giải giàu sức thuyết phục nhờ vốn sống từng trải, phông văn hóa rộng và sâu, kinh nghiệm nghề nghiệp…
Chúng ta đều nhận thức sâu sắc rằng: Báo chí là “người tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể phong trào cách mạng của quần chúng” (Lênin) thì càng ý thức nhất quán về tính tư tưởng của từng tác phẩm, từng số báo. Đặc trưng của báo chí là phát hiện, phản ánh cái mới đã nảy sinh, đang nảy sinh và sẽ nảy sinh. Cái mới là hiện tượng hay bản chất, là cái tốt – cái ác, cái đẹp – cái xấu… cần phải được khẳng định rõ ràng! Nhà báo không chỉ dừng ở mức độ thông tin, mô tả sự vật, sự việc một cách chung chung mà với vốn sống, kinh nghiệm nghề nghiệp phải đưa ra những đánh giá, bình luận và chính kiến định hướng dư luận xã hội hướng theo quy luật vận động của thế giới khách quan.
Có một thời, công chúng rất than phiền “khổ lắm biết rồi cứ nói mãi” bởi một phần báo chí chúng ta mới dừng lại ở phản ánh, sao chép cuộc sống mà thiếu đi yếu tố quan trọng, rường cột là đề ra giải pháp giải quyết vấn đề hoặc cần có sự điều chỉnh, can thiệp của cơ chế, chính sách vĩ mô…
Để nâng cao chất lượng Báo Lâm Đồng, Báo đang xúc tiến việc chủ động xây dựng, tổ chức các chủ đề tuyên truyền của từng số báo. Bên cạnh thông tin “diện rộng” toàn cảnh tình hình chính trị – kinh tế – xã hội của tỉnh thì từng số báo nên chọn các vấn đề “điểm” chuyên sâu, tập trung một vấn đề gì đó của nông nghiệp, công nghiệp, y tế hay giáo dục, an ninh, quốc phòng… đang là vấn đề nổi cộm, được xã hội quan tâm. Ý tưởng này đã được thực hiện trên trang “Kinh tế – xã hội” Báo Lâm Đồng Cuối tuần và đặc biệt là sự cải tiến của bộ mới từ đầu tháng 10 - 2010…
Lâm Đồng có 12 huyện và thành phố, trên từng số báo đã có sự cố gắng phản ánh bao quát tình hình thời sự chính trị – kinh tế – xã hội nổi bật của từng địa phương. Song để phản ánh một cách tòan diện và nổi bật những vấn đề lớn mà các huyện, thành phố quan tâm lãnh chỉ đạo, Báo Lâm Đồng đang thí điểm vận động cấp ủy, chính quyền các huyện, thành kết phối hợp để mỗi tháng tuyên truyền tập trung cho một địa phương. Ví dụ từng tháng có các chuyên trang như: Đà Lạt trên đường phát triển, Bảo Lộc trên đường phát triển… Ngược lại, các đơn vị sẽ ký hợp đồng mua tăng thêm số lượng báo để cấp phát cho hệ thống chính trị cơ sở… Cùng với chức năng thông tin, báo chí cần phát huy vai trò phản biện xã hội thông qua cách tổ chức các thể tài báo chí, cổ vũ bạn đọc tham gia phản hồi, trực tiếp viết báo.
Một tờ báo hay là một tờ biết phát hiện và tổ chức sự kiện. Ví dụ như Lâm Đồng với lợi thế so sánh nên mấy năm về trước xuất hiện rải rác một số trang trại, nhà vườn bước đầu áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm rau hoa cao cấp, nuôi cá nước lạnh… Vậy đứng trước hiện tượng chưa phổ biến này, báo chí phải làm gì?
Trước hết, phải tăng cường tuyên truyền lợi thế so sánh của địa phương về thổ nhưỡng, khí hậu, kinh nghiệm canh tác và bề dày tích lũy nền sản xuất hàng hóa của địa phương; kế tiếp là ý kiến của các nhà khoa học, quản lý về vấn đề mới nảy sinh này. Từ thực tế cũng đặt ra câu hỏi và đã được trả lời về vai trò, quan hệ của “4 nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông) trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao; cơ chế ngân hàng cho vay đầu tư nhà kính, nhà lưới và cây con giống; liên kết chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu họach; bao tiêu sản phẩm như thế nào? Và cuối cùng là thực tế hiệu quả sản xuất – kinh doanh của các mô hình, điển hình; việc nhân rộng ở các huyện, thành có điều kiện tương đồng.
Bên cạnh đó, báo Lâm Đồng cũng có những bài viết phân tích vì sao một số nhà đầu tư chưa mặn mà với khu quy họach nông nghiệp công nghệc cao ở huyện Lạc Dương hay phát hiện, phê phán một số doanh nghiệp ôm dự án nhằm sang tay, trục lợi… Năm 2010, thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao nên bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp trên một ha canh tác ở Lâm Đồng đã đạt khoảng 76 triệu đồng (người sản xuất thu lãi ròng 40 – 50%, lợi nhuận ước 30 – 32 triệu đồng/ha)… Đạt kết quả ấy, không thể phủ nhận vai trò tích cực của báo chí, trong đó có báo Lâm Đồng.
Báo chí cần hấp dẫn mới thu hút độc giả. Tính hấp dẫn thể hiện trên hai mặt nội dung và hình thức. Về mặt hình thức, trong điều kiện hội nhập báo chí thế giới hiện nay rất có điều kiện trình bày đẹp, ấn tượng, hiện đại, bắt mắt… thế nhưng nội dung bổ ích, thiết thực của tác phẩm, từng số báo mới chính là yếu tố quyết định nhất. Có một thời một số cơ quan báo chí, nhà báo nhận thức mơ hồ giữa tính hấp dẫn với thông tin “lạ”, giật gân… nhằm câu khách, thương mại hóa; chỉ đáp ứng nhu cầu tò mò, thị hiếu tầm thường của một bộ phận bạn đọc.
Tính hấp dẫn của báo chí cơ bản được tạo thành bởi các yếu tố “Đúng, trúng, hay và kịp thời”. Báo chí phải phản ánh bản chất sự việc, hiện tượng; tránh tình trạng bóp méo hay tô hồng khiến sai lệch nhận thức và hành động. Đúng rồi thì phải nêu trúng vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm. Có thể cách tổ chức thông tin và phương pháp thể hiện tác phẩm hay nhưng không cho phép thông tin đến chậm với công chúng – Thông tin phải kịp thời và mang tính cạnh tranh trong thời thông tin bùng nổ…
Tính chính trị, khoa học, văn hóa và tính chuyên nghiệp thực sự góp phần nâng cao chất lượng và sự hấp dẫn của báo Đảng địa phương!
Hồ Lan