Những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền trong tỉnh đã quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ nữ; đồng thời bố trí cán bộ nữ vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể.
Hiện tổng số cán bộ nữ công chức các cơ quan hành chính, Đảng, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh có gần 2.460 người (chiếm tỷ lệ 25%); trong đó cấp tỉnh 775 người, cấp huyện (thành) 715, cấp xã (phường, thị trấn) 968.
Toàn tỉnh cũng đã có 796 nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Trong lĩnh vực nghiên cứu có nhiều phụ nữ đạt thành tích cao, đem lại hiệu quả tốt khi ứng dụng các đề tài khoa học vào đời sống xã hội.
Đến tháng 6 – 2010, toàn Đảng bộ Lâm Đồng có trên 7.600 đảng viên nữ (chiếm 30%); trong đó đảng viên nữ là người dân tộc thiểu số có gần 2.320 người. Công tác phát triển đảng viên nữ được chú trọng tại các vùng khó khăn, vùng có đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy đạt nhiều kết quả trong công tác phụ nữ nhưng nhìn chung việc quán triệt Nghị quyết ở một số địa phương triển khai chưa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy và đảng ủy các sở, ngành còn hạn chế. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết hàng năm chưa được chú trọng… Nhằm khắc phục tình trạng này, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể cần tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 – NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 39 – CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới, ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó cần có biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các phong trào, các cuộc vận động và tiếp tục phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”!