Trong bản kiến nghị gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, sẽ được Ủy ban Trung ương MTTQ VN báo cáo trước Quốc hội (QH) tại phiên khai mạc sáng mai, 20/10, đông đảo cử tri và nhân dân cả nước đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách hành chính quyết liệt; có biện pháp giáo dục cán bộ, công chức về vai trò “công bộc của nhân dân”.
Trong bản kiến nghị gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, sẽ được Ủy ban Trung ương MTTQ VN báo cáo trước Quốc hội (QH) tại phiên khai mạc sáng mai, 20/10, đông đảo cử tri và nhân dân cả nước đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách hành chính quyết liệt; có biện pháp giáo dục cán bộ, công chức về vai trò “công bộc của nhân dân”.
Theo bản tổng hợp từ 1.275 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Ủy ban Trung ương MTTQ VN và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đông đảo cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị QH xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử ĐB HĐND trình QH thông qua tại kỳ họp này theo hướng mở rộng và phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn bầu những người có đủ phẩm chất, năng lực, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân vào các cơ quan quyền lực Nhà nước.
Về cải cách hành chính (CCHC) và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cử tri cho rằng thời gian qua, với sự quyết tâm của Chính phủ và chính quyền các cấp, thủ tục hành chính trên hầu hết các lĩnh vực đều đã được rà soát, sửa đổi, ban hành mới theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện cho người dân, bước đầu tạo được niềm tin cho người dân và doanh nghiệp vào hoạt động phục vụ của các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, thủ tục hành chính vẫn phức tạp, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
“Vẫn còn tồn tại xu hướng cơ quan hành chính giành thuận lợi về cho mình, đẩy khó khăn về cho người dân. Nhiều thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tế. Ý thức trách nhiệm thi hành công vụ, thái độ phục vụ của đa số cán bộ, công chức tuy có chuyển biến nhưng vẫn chậm. Một bộ phận công chức còn thiếu trách nhiệm, hạn chế năng lực, thậm chí tìm cách vòi vĩnh tiền của nhân dân”, báo cáo kiến nghị cử tri nêu rõ.
Để giải quyết thực trạng trên, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo CCHC quyết liệt hơn nữa; đồng thời có biện pháp giáo dục cán bộ, công chức thực hiện đúng vai trò “công bộc của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Ngoài ra, cũng theo đánh giá của đông đảo cử tri và nhân dân, tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, vẫn là vấn đề bức xúc và là mối quan tâm của xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, yếu kém; không ít trường hợp chưa phát hiện kịp thời, xử lý chưa nghiêm, nhất là xử lý trách nhiệm người đứng đầu; công tác tự phát hiện tham nhũng, lãng phí của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu.
Liên quan đến vụ việc tiêu cực tại Tập đoàn Vinashin, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ làm rõ những sai phạm của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin và trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các Bộ có liên quan và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân vi phạm.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiến hành các hoạt động kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng về tình hình tài chính cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khác.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân sẽ được đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN trình bày tại phiên khai mạc của QH vào sáng mai, 20.10.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp cho thấy, cử tri bức xúc về tình trạng lạm thu ở các trường phổ thông tại nhiều địa phương đã gây nhiều khó khăn, bức xúc cho các gia đình nghèo, gia đình có thu nhập thấp và cán bộ, công chức và kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng trên; đồng thời tiếp tục nghiên cứu cải cách chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên để các thầy cô dành hết tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”.