Từ ngày 5 đến ngày 7/10/2010, Đoàn đại biểu Quốc hội (đơn vị tỉnh Lâm Đồng) do đồng chí Lê Thanh Phong làm trưởng đoàn đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại phường B’Lao (Tp Bảo Lộc), xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm), xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai), xã Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh) và xã Phù Mỹ (huyện Cát Tiên)
Tại các địa điểm tiếp xúc, cử tri các phường, xã đã góp ý nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề: phòng chống và xử lý tham nhũng, chế độ chính sách cho người nghèo và người có công, việc giao đất giao rừng cho các doanh nghiệp, chương trình điện Tây Nguyên, đề án giao thông nông thôn. Đặc biệt, cử tri của hầu hết các địa phương rất quan tâm đến chế độ phụ cấp cho cán bộ cấp thôn, khu phố từ sau khi có Nghị định 92 của Chính phủ. Cử tri các huyện phía Nam kiến nghị về việc cần triển khai và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án thủy lợi phục vụ tưới tiêu, nhất là dự án hồ thủy lợi Đạ Lây đã có kế hoạch 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc Hội, đồng chí Lê Thanh Phong đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri, giải trình một số ý kiến thuộc thẩm quyền và tập hợp những ý kiến quan trọng để kiến nghị Quốc hội trong phiên họp sắp tới.
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội khóa XII, Đoàn đại biểu Quốc hội (đơn vị Lâm Đồng) gồm ông Võ Minh Phương và ông Ya Duck đã tiếp xúc với cử tri tại xã Đinh Lạc (huyẹn Di Linh) vào sáng ngày 6/10/2010. Tại đây, các đại biểu Quốc hội đã báo cáo với cử tri chương trình và nội dung kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội của cả nước và của Lâm Đồng trong 9 tháng đầu năm nay; đồng thời, lắng nghe ý kiến đề xuất và tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Ý kiến phát biểu của cử tri có nội dung liên quan đến địa phương đã được lãnh đạo địa phương giải trình. Những vấn đề liên quan đến Quốc hội, cử tri đã đề cập và kiến nghị: Quốc hội cần xem xét chính sách quản lý, phân phối đất và nhà ở để tránh tình trạng đầu cơ kinh doanh, tạo sự công bằng xã hội và hạn chế nguy cơ phân hóa giàu – nghèo; một số pháp lệnh cần được xem xét nâng thành luật để nâng cao tính pháp lý; việc phòng và chống tham nhũng đã có luật và đã được Quốc hội đề cập nhiều nhưng cần xem xét các giải pháp vì thực tế trong quá trình thực hiện vẫn chưa thật hữu hiệu; cần xem xét chính sách tuyển dụng cán bộ, công chức để được thực hiện mọt cách công khai, minh bạch nhằm tránh tình trạng hối lộ; Pháp lệnh 06/2008 ngày 21/11/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Công an xã đã có hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, ở địa phương đã cắt giảm trợ cấp của công an viên, nên đã gây khó khăn trong việc quản lý và hoạt động chuyên môn; cần xem xét lại việc quản lý hoạt động dịch vụ Internet, vì thực tế ở địa phương đã xảy ra tác hại đến lứa tuổi học sinh, như trốn học, bỏ học, làm thay đổi tư duy và tạo ra các hành vi bạo lực, một số trường hợp đã dẫn đến vi phạm pháp luật; vai trò của các đại biểu Quốc hội cần được phát huy cao hơn, nhất là vai trò giám sát việc thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, việc xử lý những hành vi vi phạm trong sản xuất và lưu thông hàng hóa giả, hàng hóa kém chất lượng (nói chung) và phân bón giả, phân bón kém chất lượng (nói riêng)…
Chiều ngày 6/10, Đoàn đại biểu quốc hội khóa XI đơn vị tỉnh Lâm Đồng do ông Lê Văn Học và ông Nguyễn Bá Thuyền - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã về tiếp xúc với trên 50 đại biểu cử trị xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương.