Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn thể hiện qua việc chỉ đạo tăng cường cộng tác dân vận của chính quyền, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, làm chuyển biến về công tác quần chúng của cả hệ thống chính trị.
Xuất phát từ thực tiễn 80 năm qua, cùng với việc xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội, vấn đề phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc từng bước được đổi mới bằng việc xác định nguyên tắc Đảng vừa là tổ chức thành viên của Mặt trận vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình thông qua công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức: Đảng lãnh đạo thông qua đường lối, chủ trương đúng đắn được cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, kết luận… nhằm định hướng cho hoạt động của Mặt trận phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của dân tộc trong từng thời kỳ.
Sự lãnh đạo của Đảng không phải là áp đặt, chỉ thị, ra lệnh mà là hiệp thương dân chủ, là vận động để phát huy tính tích cực chủ động của Mặt trận. Đảng đem chủ trương, đường lối của Đảng tuyên truyền, giới thiệu, bàn bạc, kiến nghị với Mặt trận để thỏa thuận tạo sự nhất trí, tự giác tự nguyện, phối hợp hành động giữa các tổ chức và cá nhân thành viên. Đảng chăm lo bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và giới thiệu đảng viên vào tổ chức bộ máy của Mặt trận. Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua Đảng đoàn Mặt trận, thông qua đại diện cấp ủy tham gia Mặt trận, thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng hoạt động trong tổ chức Mặt trận.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn thể hiện qua việc chỉ đạo tăng cường cộng tác dân vận của chính quyền, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, làm chuyển biến về công tác quần chúng của cả hệ thống chính trị. Nhiều cấp ủy Đảng, đảng viên sát được cơ sở, gần dân, nắm được dân hơn, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân được tăng cường, niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố.
Bên cạnh những đóng góp tích cực ấy, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp còn có những hạn chế nhất định đó là:
Nội dung và phương thức hoạt động chưa được đổi mới một cách có hiệu quả, còn biểu hiện của bệnh hình thức, hành chính hóa trong một số hoạt động của Mặt trận các cấp; Ủy ban Mặt trận các cấp còn thiếu tính chủ động, chưa phát huy đầy đủ vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa có nhiều hiệu quả; hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên vẫn là khâu yếu nhất hiện nay, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Từ thực tế trên, để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Trước hết, cần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thứ hai, các cấp ủy Đảng cần đổi mới hơn nữa việc xây dựng và ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, các chỉ thị, kết luận… sát với tình hình thực tế trong từng giai đoạn để định hướng nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc hoạt động, chọn những nhiệm vụ có ý nghĩa thiết thực, mang tính đột phá để chỉ đạo thực hiện; phát huy tính chủ động sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc trong tham mưu xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động và kế hoạch tổ chức thực hiện; chú trọng xây dựng nghị quyết chuyên đề; sớm ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị các cấp, trên cơ sở quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ban hành kèm theo Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25/2/2010 của Bộ Chính trị.
Thứ ba, quan tâm công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; khắc phục tình trạng cán bộ năng lực yếu, khó sắp xếp công việc hoặc cán bộ chờ giải quyết chế độ bố trí làm lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ Mặt trận, các đoàn thể sang công tác cơ quan Đảng, Nhà nước và ngược lại.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội; phát huy tính tiền phong gương mẫu của đảng viên trong tham gia và vận động các thành viên trong gia đình tích cực tham gia sinh hoạt và làm nòng cốt trong các tổ chức đoàn thể nhân dân. Có cơ chế cụ thể để nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc thông qua giao ban định kỳ giữa Thường trực cấp ủy với hệ thống dân vận; qua những cuộc làm việc trực tiếp để nghe phản ánh tình hình tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân, những kiến nghị, đề xuất của Mặt trận và các tổ chức thành viên, trên cơ sở đó chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân, đồng thời định hướng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc sát hợp với tình hình thực tế. Các cấp ủy Đảng cần chú trọng công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, xây dựng các mô hình, điển hình trong công tác xây dựng Mặt trận Tổ quốc; các cấp chính quyền cần phải có cơ chế rõ ràng, cơ chế đó phải được thể chế thành văn bản pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội.
HÀ PHƯỚC TOẢN - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy