Hoàng Sa, Trường Sa – lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc

02:10, 31/10/2010

Nói tới biển Đông, chúng ta không thể không nhắc tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bởi đây là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã đổ bao mồ hôi, nước mắt và không ít máu đào mới tạo được dáng vóc biên cương như  hiện tại.

(LĐ online) - Nói tới biển Đông, chúng ta không thể không nhắc tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bởi đây là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã đổ bao mồ hôi, nước mắt và không ít máu đào mới tạo được dáng vóc biên cương như  hiện tại.

Về dải quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa: Khởi thủy từ đời nhà Hồ (1400 – 1407), qua triều vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn (năm 1558 – 1788), triều Nguyễn (năm 1802 – 1945), biên cương đất nước duỗi dài vào Nam, vươn ra Biển Đông. Lãnh thổ minh định bắt đầu từ đời Lê Thánh Tông (1460 – 1497), nhất là vào các đời chúa Nguyễn và hai đời Gia Long (1802 – 1820), Minh Mạng (1821 – 1840). Điều đó được chứng minh bằng những tư liệu chính xác và bản đồ cổ cùng một số sử liệu đáng tin cậy như: Bản đồ Hồng Đức (Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư), Đại Nam nhất thống toàn đồ, An Nam Đại quốc họa đồ và các công trình biên khảo lịch sử, địa lý của các học giả Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, các tác phẩm Quốc sử quán triều...

Vị trí hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên đường biển TP. HCM – Hồng Kông, cách Đà Nẵng 300 – 350 km. Vị trí nằm giữa 15 độ 45 đến 47 độ 15 vĩ tuyến Bắc và 110 độ đến 118 độ kinh Đông. Từ nhiều trăm năm nay, địa danh hai quần đảo liền một dải là những trạm dừng chân khi gặp bão tố của các tàu biển đi từ Bắc Thái Bình Dương xuống Ấn Độ Dương. Năm 1701, các giáo sĩ đạo Thiên chúa trên tàu L’Amphitrite đã cho rằng Quần đảo Hoàng Sa là một trạm liên lạc trên hải đạo này và thống thuộc xứ Đàng trong…

Không riêng tư liệu trong nước mà ngay cả các nhân chứng phương Tây là các thương nhân Hà Lan, tư liệu tại Văn khố Hội truyền giáo Paris, tư liệu của Giám mục J.L. Taberd, Chaigneau và thậm chí người Trung Quốc đã khẳng định hai quần đảo nói trên thuộc lãnh thổ Việt Nam. Từ thế kỷ XII, Triệu Nhữ Quát khi viết Chư Phiên chí đã dùng những từ “Thiên lý Trường Sa” (Cát dài ngàn dặm), Vạn Lý Thạch Sàng (Giường đá muôn dặm) để chỉ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên thềm san hô Biển Đông gần với bờ biển Việt Nam nhất…

Từ mấy thế kỷ qua, người Việt không xa lạ với việc vượt biển khơi ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản, tìm vàng bạc từ các con tàu bị đắm. Hòa thượng Thích Đại Sán (năm 1633 – 1704), quê Chiết Giang (Trung Quốc) vào năm 1694 từng nhận lời mời của Chúa Nguyễn Phước Chu đến Hội An, Huế giảng kinh Phật. Khi về nước, ông viết sách Hải ngọai ký sự gồm sáu quyển, đề cập nhiều vấn đề của hai xứ Thuận, Quảng đã viết về Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam như: “Cồn cát chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; động cao dựng đứng như vách tường, mặt cát thì khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt phải tan tành, bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm… gọi là Vạn Lý Trường Sa. Thời Quốc vương trước (các triều vua, chúa Việt Nam – TG) hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bờ biển lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền hư tấp vào; nhất là tàu biển đi ngang vùng này đều “sợ có hiểm họa Trường Sa”…

Theo tư liệu cổ: Vào nửa đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn tổ chức “Đội  Hoàng Sa” lấy người phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thu lượm hàng hóa của các tàu đắm, đánh bắt hải sản qúy hiếm mang về dâng nộp triều đình; đo vẽ, trồng cây và dựng mốc trên quần đảo… Ngày 10 – 4 - 2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển Bộ Ngọai giao tư liệu qúy liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa mà tộc họ Đặng giữ gìn nhiều đời. Đây là “tờ lệnh” của quan Án sát và quan Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi vâng mệnh vua Minh Mạng yêu cầu tuyển chọn và điều động binh phu ra khai thác, bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa từ năm 1834, trong đó có ông Đặng Văn Siểm...

Vào nửa đầu thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn tổ chức thêm “Đội Bắc Hải” lấy người phủ Bình Thuận  và cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ tương tự như “Đội Hoàng Sa”. Trường Sa là vùng lãnh thổ Việt Nam, nhiều tài liệu xác định: Quần đảo gồm hơn 100 đảo, bãi đá, cồn san hô và bãi cạn, nằm trong phạm vi từ 6 độ 50’ – 12 vĩ độ Bắc; 111 độ 30’ – 117 độ 20’ kinh độ Đông, cách Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 248 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 595 hải lý. Diện tích toàn bộ phần nổi của quần đảo khoảng 10 cây số vuông. Thời kỳ Pháp thuộc, vào năm 1930 – 1933, Pháp liên tục đưa quân đội ra đóng ở Trường Sa và xây dựng hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện. Năm 1933, sát nhập quần đảo vào tỉnh Bà Rịa. Năm 1956, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa quyết định quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy. Tháng 4 – 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã tiếp quản 6 đảo do quân đội chính quyền Sài Gòn đóng giữ: Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn và An Bang. Năm 1982, Chính phủ quyết định thành lập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và hiện thuộc tỉnh Khánh Hòa. Tháng 4 – 2007, Chính phủ quyết định thành lập thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa… Khẳng định chủ quyền lãnh thổ của mình, ngày 14 – 2 – 1975, chính quyền Sài Gòn từng công bố “Sách trắng” khẳng định các quyền lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo. Những năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngọai giao nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã 3 lần công bố Sách trắng về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

Là tỉnh  miền núi Nam Tây Nguyên, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng luôn hướng về Hòang Sa, Trường Sa – Những miền biển đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. “Tất cả vì Trường Sa thân yêu” những năm qua, tỉnh và các cơ quan báo chí đã cử nhiều đòan công tác đến Trường Sa thăm và động viên các chiến sĩ đứng chân nơi đầu sóng, ngọn gió canh giữ biên cương đất nước. Báo Lâm Đồng xin giới thiệu lọat ảnh do Nguyễn Thanh thực hiện tháng 4 – 2009 tại Trường Sa.

 
  Trước khi tàu rời bến. Trước khi tàu rời bến.

Háo hức tìm hiểu hải trình đến với Trường Sa.
Háo hức tìm hiểu hải trình đến với Trường Sa.

 

Đảo Đá Lát.
Đảo Đá  Lớn B
Xuống xuồng vào đảo.
Xuống xuồng vào đảo.
Các nhà báo chụp ảnh lưu niệm khi đến với Trường Sa.
Các nhà báo chụp ảnh lưu niệm khi đến với Trường Sa.
Chuẩn đô đốc Trịnh Đình Xuyên – Phó Tư lệnh Hải quân trò chuyện với nhà báo.
Chuẩn đô đốc Trần Đình Xuyên – Phó Tư lệnh Hải quân trò chuyện với nhà báo.
Giao lưu văn nghệ với chiến sĩ canh giữ biển trời Tổ quốc.
Giao lưu văn nghệ với chiến sĩ canh giữ biển trời Tổ quốc.
Màu xanh trên đảo.
Màu xanh trên đảo.
Lâm Đồng bên cột mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn.
Đoàn Lâm Đồng bên cột mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng đón nhận cờ truyền thống từ đảo Nam Yết 11, một góc đảo Trường Sa đang được xây dựng khang trang.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng (thứ nhất bên phải) cùng lãnh đạo các tỉnh, thành đón nhận cờ truyền thống từ đảo Nam Yết.
Niềm vui được đứng dưới cờ Tổ quốc tung bay giữa bầu trời biển Đông.
Niềm vui được đứng dưới cờ Tổ quốc lồng lộng tung bay giữa bầu trời biển Đông.