Ngày 29/10, Hội thảo báo chí Lâm Đồng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Hội nhà báo Lâm Đồng tổ chức tại Đà Lạt.
Trong khuôn khổ hội thảo, các nhà báo đã thể hiện 8 tham luận và góp nhiều ý kiến để phân tích, làm rõ đạo đức nhà báo, đạo đức cơ quan báo chí trong hoạt động thông tin tuyên truyền, những bài học mà chủ tịch Hồ Chí Minh để lại luôn có giá trị với người làm báo. Theo nhà báo Uông Thái Biểu - Trưởng văn phòng đại diện báo Nhân Dân tại Đà Lạt thì sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chối nhiều danh hiệu cao quý, song Người đã tự nhận mình là nhà cách mạng và là nhà báo. Người cho rằng báo chí phải “lãnh đạo dư luận” và phải “nâng cao tinh thần đấu tranh của nhân dân”. Từ ý nghĩa đó, những người làm báo hôm nay có ý thức sâu sắc về tính phản biện xã hội của báo chí. Vì thế, báo chí từ chỗ thông tin cảnh báo, đến phác họa được toàn cảnh tình hình, cung cấp những thông tin dữ liệu cho các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách cũng như dự báo và lường tránh những sai sót trong quá trình bổ sung sửa đổi các chính sách và hoàn thiện cơ chế nói chung. Nhà báo Trần Bích Hiền - Trưởng văn phòng đại diện báo Sài Gòn Giải Phóng tại Đà Lạt cho rằng: tính nhân dân là yêu cầu và quyền được thông tin của nhân dân, chính vì thế, nhà báo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thông tin, đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức để thể hiện trách nhiệm của mình đối với thông tin, đối với nhân dân. Là một nhà báo lão thành, nhà báo Nguyễn Mậu Siệc bàn về điều cốt lõi trong đạo đức nghề báo là tính trung thực và bản lĩnh của người làm báo. Người làm báo cần ủng hộ cái đúng và đấu tranh phê bình với những điều sai trái, tuy nhiên trong những trường hợp đúng- sai chưa rạch ròi thì nhà báo cần cân nhắc đến tính tác động lợi hay hại của thông tin để thể hiện; đó là trách nhiệm, là bản lĩnh của nhà báo trước Tổ quốc và nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Nhà báo cũng không nên thờ ơ với sự thật để bảo vệ sự an toàn cho mình, điều này cũng thể hiện tính trung thực của nhà báo.
Những năm qua, các cơ quan báo chí và những người làm báo tại địa phương Lâm Đồng đã phấn đấu không ngừng để phát triển, để gần gũi hơn với nhân dân và thể hiện được tính định hướng thông tin. Nhà báo Hồ Lan- Phó Tổng biên tập Báo Lâm Đồng nhắc đến lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh “ Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”, từ đó, nhà báo ý thức nhất quán để thể hiện tác phẩm, hướng đến các tiêu chí “ đúng, trúng, hay và kịp thời” để thực hiện nhiệm vụ thông tin đến độc giả. Nhà báo Anh Tú- Đài phát thanh và truyền hình Lâm Đồng cho biết trong quá trình thông tin chống tiêu cực, anh và các đồng nghiệp từng nhiều lần bị những tổ chức, cá nhân có những biểu hiện và hành vi tiêu cực đe dọa, gây khó khăn khi tác nghiệp. Trên thực tế, khi gặp một vấn đề bức xúc trong cuộc sống, nhiều lúc người dân nghĩ ngay đến cơ quan báo chí và nhà báo, đó là kết quả cao nhất trong việc thông tin phê bình của báo chí. Các nhà báo cũng cho rằng “ xây mà chống, chống mà xây”, phê bình là để xây dựng cho xã hội tốt đẹp hơn, chính vì thế, người viết cần viết với tinh thần xây dựng và luôn đặt mình vào vị trí của người được phê bình…
Nhiều ý kiến khác xoay quanh nội dung người làm báo cần có nghệ thuật khai thác thông tin như thế nào, làm gì để nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền… Đồng thời, tại hội thảo này, đại diện các cơ quan chính quyền, các tổ chức đoàn thể cũng đã góp tiếng nói của mình tới các cơ quan báo chí và các nhà báo. Đồng chí Trần Đình Nhung- Phó ban Dân vận Tỉnh ủy, người đã từng có nhiều năm làm công tác lãnh đạo tại huyện vùng sâu Cát Tiên cho rằng báo chí đã góp phần rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương qua các thông tin được khai thác và thể hiện, điều đó đã đạt được bởi tính trung thực khi thông tin và ý thức xây dựng của mỗi nhà báo, cơ quan báo chí.
Hội thảo đã mở ra những vấn đề thực tiễn trong đời sống báo chí hiện nay, hơn bao giờ hết, các nội dung và ý kiến nêu ra đã khơi dậy và bồi đắp ý thức sâu sắc về vai trò “ hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh của mỗi người làm báo.