Có một “đầu tàu” trên cao nguyên

02:10, 26/10/2010

Hội nghị TƯ sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” dịp đầu năm 2010 vừa qua ở Hà Nội, đồng chí Huỳnh Phong Tranh - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng là một trong ba Bí thư Tỉnh ủy của cả nước được biểu dương là gương điển hình tiên tiến tham dự hội nghị.

[links()](LĐ online)- Hội nghị Trung ương sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” dịp đầu năm 2010 vừa qua ở Hà Nội, đồng chí Huỳnh Phong Tranh - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng là một trong ba Bí thư Tỉnh ủy của cả nước được biểu dương là gương điển hình tiên tiến tham dự hội nghị. Đây là điều vinh dự cho Lâm Đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Phong Tranh.
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Phong Tranh.
Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, giữa không khí tưng bừng hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Lâm Đồng đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 – 2015). Qua đại hội, với số phiếu tín nhiệm rất cao, đồng chí Huỳnh Phong Tranh – UVTƯ Đảng đã tái đắc cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Tin vui đã lan rộng trong sự hồ hởi, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân không riêng tỉnh nhà…

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX như một mốc son của vùng đất Nam Tây Nguyên giàu tiềm năng và thơ mộng. 5 năm qua, Lâm Đồng nỗ lực, tích cực “đột phá, tăng tốc” để thay bỏ “tấm áo” chậm phát triển và vững bước vào chặng đường quyết tâm mới “Đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương, phát huy mọi nguồn lực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững”!...

Bề bộn những công việc quan trọng cần làm ngay sau đại hội thế nhưng Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã dành thời gian để chuẩn bị Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động vào tháng 11 – 2010.

Để sâu sát tình hình, Ban chỉ đạo tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra và đồng chí Huỳnh Phong Tranh trực tiếp đi kiểm tra một số Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ thành phố Đà Lạt. Là thành viên đoàn kiểm tra của Bí thư Tỉnh ủy, chúng tôi về làm việc với Đảng ủy xã Xuân Thọ, Đảng ủy phường IX và Đảng bộ Thành phố Đà Lạt. Ở địa phương nào, đồng chí Huỳnh Phong Tranh cũng nắm tình hình, vấn đề rất nhanh và có ý kiến chỉ đạo sâu sát như là người trong cuộc.

Với Đảng ủy Xuân Thọ, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định nếu xã vùng ven thành phố vốn giàu truyền thống cách mạnh, từng đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước xây dựng thành công xã văn hóa, xã nông thôn mới thì sẽ là tiền đề, nền tảng vững chắc, thuận lợi trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Riêng phường IX có đông đảng viên và nhiều đồng chí hưu trí từng là cán bộ nòng cốt của Đảng, Nhà nước tiếp tục tham gia công tác, đồng chí Huỳnh Phong Tranh cho đây là một lợi thế, do vậy Đảng bộ phường phải phát huy thế mạnh này để tạo sức mạnh tổng hợp đưa Cuộc vận động lan tỏa, đi vào chiều sâu.

Nghe Thành ủy Đà Lạt báo cáo hiện đang tổ chức 4 đoàn kiểm tra 16 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, hướng dẫn và chỉ đạo tổng kết ở cơ sở để tiến tới Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Cuộcvận động của thành phố, Bí thư Tỉnh ủy rất vui phát biểu: Muốn tổng kết trên thì phải kiểm tra dưới! Qua đó rút kinh nghiệm, bài học trong lãnh chỉ đạo và xem cơ sở yếu ở điểm nào thì tập trung giúp cấp dưới. Do vậy, việc chủ động kiểm tra khối phường, xã, các loại hình tổ chức Đảng là rất quan trọng… Tiến tới hội nghị tổng kết, Đà Lạt phải xác định và khẳng định rõ nét các mô hình, điển hình và đánh giá rõ xem điểm chỉ đạo đã gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị như thế nào. Từ hội nghị tổng kết ở cơ sở lên tới thành phố và lên tới tỉnh cần tạo sự lan tỏa trong nhận thức, dấy lên phong trào thi đua sâu rộng trong các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị cùng các tầng lớp xã hội…

Là con người của công việc nên trong lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở đồng chí Huỳnh Phong Tranh bên cạnh việc vận dụng lý luận một cách phù hợp còn thể hiện tính thực tiễn, gắn bó, sâu sát cơ sở. Tôi nhớ gần đây nhất mới sáng 6 tết Canh Dần, chúng tôi đã rời thành phố du lịch Đà Lạt “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” theo đồng chí Huỳnh Phong Tranh – UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng xuôi về phía nam tỉnh thăm xã Tân Hội (huyện Đức Trọng).
 
Bí thư Tỉnh ủy thăm đồng bào dân tộc thiểu số tham gia giữ rừng Vườn quốc gia Bi doup - Núi Bà.
Bí thư Tỉnh ủy thăm đồng bào dân tộc thiểu số
tham gia giữ rừng Vườn quốc gia Bi doup - Núi Bà.

Tân Hội nguyên là vùng kinh tế mới của người Tùng Nghĩa, Đà Lạt được khai phá, xây dựng sau 1975 và hiện địa phương là xã duy nhất trên Tây Nguyên, 1 trong 11 xã điểm của tòan quốc được Chính phủ chọn đầu tư xây dựng mô hình nông thôn mới. “Tam nông” là vấn đề Đảng, Nhà nước quan tâm… và cuối tháng tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác thí điểm xây dựng nông thôn mới! Do vậy tôi chợt nhận ra ý tứ sâu xa của Bí thư Tỉnh ủy khi chọn Tân Hội là điểm “xông đất” khởi đầu xuân.

Sáng hôm sau, Bí thư lại dẫn đoàn công tác của tỉnh rong ruổi lên Vườn quốc gia Biduop – Núi Bà (huyện Lạc Dương). Xuôi nam ngược bắc là vậy. Nhớ lại cũng đầu Xuân trước, Bí thư Tỉnh ủy “xông đất” khu công nghiệp Phú Hội (huyện Đức Trọng) và Lộc Sơn (TP. Bảo Lộc) nhằm tháo gỡ những vấn đề, cơ chế, chính sách còn bất cập trong giải tỏa, đền bù và thu hút đầu tư. Năm nay, nông nghiệp – nông thôn – nông dân và giữ rừng là vấn đề Bí thư quan tâm.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư tâm sự: Mấy ngày về Cần Thơ ăn tết quả là đứng ngồi không yên khi nghe tin rừng Lao Cai, Lai Châu bị cháy, mình thường xuyên phôn cho anh Hoàng Sĩ Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở lưu ý “phòng giặc hỏa”! Giữa đồng bằng miền Tây mênh mang sông nước lại nhớ rừng.

Lâm Đồng có tới 600 ngàn ha rừng, với độ che phủ trên 62% - đây là nguồn tài nguyên lớn của tỉnh, của cả nước. Rừng không chỉ là cảnh quan, môi trường mà còn là thế mạnh kinh tế đặc thù của tỉnh. Ngành chức năng dự báo vào thời điểm này, Lâm Đồng là một trong những tỉnh có khả năng cháy rừng ở cấp độ 5… lẽ ra còn nghỉ mấy ngày Tết nữa… nhưng thôi, lên gấp xem tình hình phòng chống cháy rừng ra sao!

Dung dị, kiệm lời khi nói về cuộc sống riêng tư song lại rất phấn chấn, sôi nổi khi trao đổi công việc – đó là chân dung của anh Sáu Tranh – cách xưng hô thân mật trong gia đình mà đồng chí, bằng hữu dành cho Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng…

Nhớ ngày 10 – 9 – 2007, được điều động từ cương vị UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ lên cao nguyên nhận chức trách Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng - mộc mạc, giản dị, chất phác tựa con sóng êm đềm vốn dĩ của sông nước miền Tây và như cây rừng Nam Tây Nguyên hiền hòa, đồng chí bộc bạch trong lần đầu ra mắt tập thể mới: “…Tôi nhận thức sâu sắc… nhận nhiệm vụ này là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nhề mà bản thân không ngừng rèn luyện, nỗ lực phấn đấu để cùng tập thể Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ Lâm Đồng hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó…Tôi đề nghị tập thể tỉnh Đảng bộ hãy cùng nhau đoàn kết một lòng, đồng tâm, hiệp sức, chia sẻ trách nhiệm, cổ vũ đúng lúc, động viên kịp thời cho tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lấy hiệu quả công việc làm thước đo, lấy đòan kết tập thể làm sức mạnh, lấy tình đồng chí, đồng nghiệp, tình anh em để hành xử chân tình, thẳng thắn trong công việc!”…Đầu năm vừa rồi, tôi tình cờ chậm rãi đọc và nghĩ suy bản đăng ký “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thấy đồng chí vẫn đặt vấn đề làm theo Bác là tiếp tục khắc phục hoàn cảnh vợ yếu, nhà xa để hoàn thành nhiệm vụ!

Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Phong Tranh sinh năm 1955, tại Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Từng là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thế mà vừa rồi trong khi thân tình trao đổi công việc, anh mới tiết lộ (xin phép cho xưng hô như vậy vì Bí thư hơn tôi 4 tuổi): “…Mình con nông dân đặc sệt. Ký ức học trò ư? Ít lắm, mới học đến lớp 3 thì nghỉ để giúp ba má việc ruộng rẫy, chăn trâu, đi cày, chài lưới, cắm câu. Năm 1973, tuổi 18 vào bưng biền tham gia kháng chiến. Sau giải phóng mới theo học lớp 4 được đến hết cấp 2… Gián đoạn đôi năm đến 1990 vào tiếp cấp 3 và đại học Kinh tế – Quản trị Kinh doanh…”.

Càng hình dung tuổi thơ lam lũ song giàu nhiệt huyết cách mạng và bền bỉ vươn lên hoàn thiện bản thân về phẩm chất, năng lực, tôi càng cảm phục ý chí, nghị lực của anh…Thấm thoát đã gần 4 năm, anh gắn bó với quyết tâm “đột phá, tăng tốc” đưa Lâm Đồng khỏi tình trạng chậm phát triển. Sâu sắc và quyết liệt trong công việc đó là điều mà cán bộ, nhân dân cảm nhận ở anh.

Thời gian đầu còn “lạ nước lạ cái”, Bí thư giành nhiều thời gian đi cơ sở tìm hiểu tình hình một cách có trọng tâm, trọng điểm để có hướng chỉ đạo. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường tấm tắc: Ở Bí thư hội tụ nhiều điều mà người làm công tác Đảng, quản lý cần phải học. Đó là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu rất rõ nét, phong cách làm việc khoa học và tinh thần trách nhiệm cao. Lên Lâm Đồng, anh giành nhiều thời gian thăm cơ sở, nắm bắt tình hình bộ máy, tư tưởng; cân phân và khách quan trong vấn đề bố trí, sắp xếp cán bộ; tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, xã hội. Bí thư là tấm gương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng rất kiên quyết...

Người viết bài này và một số cán bộ nữa từng được Bí thư thu xếp thời gian trò chuyện cởi mở về công việc, đời thường. Lời tâm sự hay lời khuyên chân tình và chu đáo của anh khiến tôi thấm thía mỗi khi nhớ tới: “…Mình là cán bộ lãnh đạo, đảng viên … do vậy, cần phải thường xuyên rèn luyện, mẫu mực trong công việc cũng như sinh họat!”…

Sau bốn năm thực hiện Cuộc vận động lớn của toàn Đảng và toàn dân, phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Lâm Đồng đã lan tỏa, có chiều sâu; xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương giàu sức thuyết phục.

Tôi nhớ trong một lần họp cán bộ chủ chốt toàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy rất tâm đắc khi thông tin hình thức chào cờ sáng thứ hai hàng tuần của một huyện miền núi ở miền Trung đã tạo hiệu quả rất cao trong công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên học tập và làm theo gương Bác. Bí thư đặt vấn đề tại sao chúng ta không học hình thức sinh họat chính trị hay ấy! Thế rồi Bí thư giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nghiên cứu hình thức chào cờ đầu tuần của Văn phòng Tỉnh ủy và các ban Đảng. Không chỉ giao nhiệm vụ mà Bí thư còn tỷ mỉ tới mức đến tận nơi kiểm tra xem vị trí trao ảnh Bác, hình thức cột cờ, khẩu hiệu, vườn hoa… có trang trọng, tôn nghiêm, thuận lợi cho mọi người tham dự hay không!

Khởi đầu từ số 10 Lê Hồng Phong – Đà Lạt, đến nay sinh hoạt chào cờ, kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh kết hợp với việc liên hệ thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân đã như “làn sóng” lan tỏa và thành nề nếp của hầu hết các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Cuộc vận động đạt nhiều kết quả to lớn, được quần chúng quan tâm… cũng có một nguyên nhân trực tiếp tác động là với cương vị Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh, Bí thư chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh. Chỉ năm 2009, Ban chỉ đạo đã tổ chức 2 đợt kiểm tra các huyện, thị, thành; đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp. Riêng năm 2010, Ban chỉ đạo cũng đã tổ chức tới 4 cuộc kiểm tra và thay vì làm việc với cấp huyện, năm nay, các đòan đã xuống tận xã để tìm hiểu tình hình…

Đánh giá về kết quả Cuộc vận động cho thấy đã phát huy tác dụng và hiệu quả, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện Cuộc vận động được các cấp ủy gắn với nhiệm vụ chính trị, vì vậy kết quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh luôn đạt năm sau cao hơn năm trước, tòan diện, tạo tiền đề vững chắc cho năm sau. Qua quá trình học tập và làm theo đã nêu cao ý thức trách nhiệm của đảng viên, công chức; chấn chỉnh lề lối, tác phong; cải cách thủ tục hành chính gắn với công tác xây dựng Đảng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện tốt thực hành, tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, minh bạch… Những kết quả đó đã thúc đẩy phong trào thi đua đi vào chiều sâu. Tuy Cuộc vận động đạt nhiều kết quả tự hào song Bí thư Tỉnh ủy cũng còn nhiều trăn trở. Theo Bí thư: Thời gian tới, tòan Đảng bộ cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết quả chung, mô hình và gương điển hình tiên tiến nhằm tạo nhận thức sâu rộng. Công tác tuyên truyền phải quan tâm đến tất cả các đối tượng trong xã hội, nơi thực hiện còn yếu, vùng sâu vùng xa...

Thực hiện Cuộc vận động cũng là yếu tố để làm chuyển biến thật tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, trong cán bộ, đảng viên. Đăng ký làm theo Bác phải được kết hợp đồng bộ với công tác kiểm tra, giám sát. Trong một vài cuộc họp chủ chốt tòan tỉnh gần đây, đồng chí thường nhấn mạnh: Cuộc vận động sắp tới sẽ tăng cường công tác kiểm tra hướng về cơ sở (xã, phường, cơ quan, đơn vị), nhân mô hình và điển hình ra diện rộng; tăng cường giao lưu, tham quan thực tế, học tập các mô hình, điển hình.

Trong tâm tưởng của anh Sáu, hình ảnh Hồ Chí Minh kính yêu được thể hiện, tôn vinh qua câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” đã gieo cảm xúc gì với anh? Trả lời tôi trong một chuyến đi công tác xuống cơ sở, Bí thư Huỳnh Phong Tranh không đắn đo bộc bạch: - Bác Hồ là tấm gương hết sức tận tụy vì dân, vì nước; suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và lợi ích đất nước, nhân dân. Tấm gương đạo đức của Người sáng ngời phẩm chất “Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”; giản dị, hết mình và đau đáu lo toan tới người nghèo khổ, người già, phụ nữ, thiếu niên, nhi đồng. Trước đây, Bác thao thức tới cuộc sống đồng bào cả nước song Người dành nhiều tình cảm cho miền Nam trong hoàn cảnh chia cắt, “bom rơi, lửa đạn”. Trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ, Bác ấp ủ hòai bão, ước vọng miền Nam sớm giải phóng để vào thăm! Vì vậy, mình tâm niệm học tập tấm gương Người phải dám dấn thân, vượt qua những “mưu, lợi” đời thường để cống hiến cho hạnh phúc nhân dân. Dân mình vẫn còn lắm vất vả, lo toan lắm! Giọng trầm xuống, Bí thư Tỉnh ủy khẽ khàng thốt vậy và tôi nhận thấy “cận cảnh” ở cao nguyên Lâm Đồng có một “đầu tầu” dung dị mà quyết liệt lao về phía trước vì Đảng, vì nhân dân!

Ghi chép: Nguyễn Thanh Đạm