Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh về công tác phụ nữ và công tác phòng chống tham nhũng

10:10, 30/10/2010

Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tại Lâm Đồng đánh giá, 5 năm qua đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tham nhũng, lãng phí đã được kiềm chế.

(LĐ online) - Trong ngày 29/10, Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh bàn về kết quả 3 năm thực hiện NQ 11 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và nhìn lại một nhiệm kỳ 5 năm (2006-2010) phòng chống tham nhũng tại Lâm Đồng. Các đồng chí Nguyễn Xuân Tiến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Huỳnh Đức Hoà – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Công Tiến – Phó Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì hội nghị.

*Công tác phụ nữ đã có tiến bộ

Theo báo cáo đánh giá, qua 3 năm thực hiện NQ 11 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 39 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác phụ nữ ở Lâm Đồng đã đạt những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng về vai trò, vị trí của phụ nữ có chuyển biến tích cực. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ nữ và phát triển đảng viên nữ. Quan tâm và từng bước cải thiện chế độ chính sách đối với cán bộ nữ. Công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ nữ được các cấp ủy quan tâm đúng mức. Cán bộ nữ tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng nhiều. Các tầng lớp phụ nữ từng bước trưởng thành về mọi mặt, khẳng định được vị thế, bình đẳng giới thực hiện ngày càng có hiệu quả, tính tự ti, mặc cảm của phụ nữ dần được khắc phục. Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai thực hiện tốt, xây dựng được nhiều mô hình giúp đỡ phụ nữ cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Cụ thể, 8 tham luận nêu bật các thành quả đạt được trên nhiều lĩnh vực về công tác phụ nữ. Thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho phụ nữ và gia đình. Qua 3 năm, có hơn 55 ngàn phụ nữ đươc học nghề, chiếm 67,5% trong tổng số người học nghề tốt nghiệp. Giải quyết việc làm cho hơn 41 ngàn lao động nữ (chiếm 49%), chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp, chế biến, dệt may, dịch vụ và xây dựng. Đặc biệt, đã có 4.450 hộ (do phụ nữ làm chủ hộ) thoát nghèo (62,5%); Tạo điều kiện cho phụ nữ nâng cao trình độ về mọi mặt. Hơn 47 ngàn học sinh nữ được hưởng chính sách miễn giảm học phí, tiền xây dựng trường (hơn 6 tỷ đồng), hàng chục ngàn trẻ em gái được cấp học bổng…

Kiềm chế được tham nhũng, lãng phí
 
Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tại Lâm Đồng đánh giá công tác này trong 5 năm qua đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tham nhũng, lãng phí đã được kiềm chế. Việc thanh tra, kiểm tra, điều tra được tiến hành thường xuyên, phát hiện kịp thời xử lý các hành vi vi phạm đã có tác dụng tốt. Tổng số vụ vi phạm tham nhũng đã xử lý hành chính qua kiểm tra, thanh tra, giải quyết đơn thư tố cáo là 79 vụ với 128 đối tượng. Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh có 44 vụ với 58 đối tượng, gây thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó đã xét xử 42 vụ với 53 đối tượng, đang trong giai đoạn điều tra 2 vụ với 5 đối tượng. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của tỉnh đã yêu cầu các cơ quan xử lý 27 đơn tố cáo và tin báo về tham nhũng, xem xét xử lý lại 6 vụ việc có dấu hiệu tội phạm nhưng các huyện chỉ xử lý hành chính. Các vụ việc tham nhũng phần lớn được phát hiện thông qua công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng hoặc qua giải quyết đơn thư tố cáo tham nhũng, rất ít được phát hiện từ việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng.

Tại hội nghị có 9 tham luận trình bày về kết quả, kinh nghiệm và đề xuất nâng cao hiệu quả trong phòng chống tham nhũng từ hoạt động kiểm tra đảng, thanh tra nhà nước, tham gia giám sát của UB MTTQVN tỉnh, phòng chống tham nhũng trong lực lượng công an, trong lĩnh vực xây dựng và thực tiễn tại địa phương Đức Trọng…Bài học kinh nghiệm trong phòng chống tham nhũng là phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, nhất là vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng gắn với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. Mục tiêu đặt ra mỗi đảng viên phải là hạt nhân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng ở địa phương. Công tác phòng chống tham nhũng phải dựa vào dân, có cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng và phải xử lý nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng.

Diệu Hiền