Vì một thế giới hoà bình, ổn định và tốt đẹp hơn

10:10, 24/10/2010

Từ tháng 4 đến tháng 6-1945, tức là trước và sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, đại diện của 50 nước đã tụ họp tại San Francisco (Mỹ) thông qua văn bản cuối cùng đặt nền móng cho sự hợp tác quốc tế.

Từ tháng 4 đến tháng 6-1945, tức là trước và sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, đại diện của 50 nước đã tụ họp tại San Francisco (Mỹ) thông qua văn bản cuối cùng đặt nền móng cho sự hợp tác quốc tế.

Đó chính là bản Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) được ký ngày 26-6-1945. Phần lớn trong số 51 thành viên của Hội quốc liên đã thông qua bản Hiến chương LHQ khai sinh ra tổ chức quyền lực nhất của thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nền hoà bình và giải quyết những vấn đề cốt yếu của nhân loại, mở đường cho việc chính thức thành lập tổ chức quốc tế toàn cầu LHQ vào 24/10/1945.

Tổ chức Liên hợp quốc ra đời thực sự có ý nghĩa to lớn trong đời sống chính trị quốc tế. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự xuất hiện của các hoạt động ngoại giao đa phương hiện đại, một bước ngoặt quyết định trong lịch sử phát triển của nền ngoại giao đa phương nói chung. Liên hợp quốc chứng tỏ đầy đủ hơn tính chất toàn cầu (thành phần gồm hầu hết các quốc gia độc lập trên mọi châu lục) và đặc biệt là tính toàn diện của nó: chương trình nghị sự không bó hẹp vào vấn đề duy trì hoà bình, an ninh, mà bao gồm cả việc thúc đẩy hợp tác vì phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng các dân tộc; bản thân hệ thống Liên hợp quốc bao gồm hàng loạt cơ quan, chương trình, quỹ, tổ chức chuyên môn tập trung vào mọi lĩnh vực của đời sống các quốc gia và quan hệ quốc tế ngoài lĩnh vực chính trị - quốc phòng, từ tiền tệ đến nông nghiệp, văn hoá, khoa học – kỹ thuật...

Tuy nhiên, sự ra đời của Liên hợp quốc và Hiến chương Liên hợp quốc chưa đủ để bảo đảm sự bình đẳng hoàn toàn và triệt để giữa các quốc gia lớn nhỏ, và thực tế cho thấy, trong nhiều vấn đề, nhiều sự kiện, Liên hợp quốc không thể hiện hết vai trò sứ mệnh của mình. Các siêu cường vẫn có vai trò lớn và nhiều khi giữ vai trò quyết định trong quá trình ra quyết định của Liên hợp quốc, đặc biệt là cơ cấu và cơ chế hoạt động của Hội đồng Bảo an, Hiến chương Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc.

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977. Hơn 30 qua, quan hệ của Việt Nam với Liên hợp quốc ngày càng được cải thiện và phát triển tốt hơn. Ngay sau khi tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc để Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước Không Liên Kết và đang phát triển để đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực..., đồng thời bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Việt Nam cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của Liên hợp quốc phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Liên hợp quốc trở thành một diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại. Vị thế và vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc ngày càng được nâng cao.

Hiện nay, hướng ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức Liên hợp quốc được thể hiện bằng việc đạt được 3 mục tiêu chính nêu trong UNDAF là: xây dựng các chính sách kinh tế hỗ trợ quá trình tăng trưởng mang tính công bằng, hoà nhập và bền vững; nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ xã hội, an sinh xã hội và tính công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ này; các chính sách, luật pháp và cơ cấu quản trị quốc gia hỗ trợ một cách có hiệu quả cho sự phát triển dựa trên quyền để thực hiện các giá trị và mục tiêu của Tuyên bố Thiên niên kỷ.

Trong hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, đó là phát huy nội lực của nhân dân Việt Nam nhưng không tách rời sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn còn là nước nghèo, trong đó thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm gần 20%... Mục tiêu trong 5 năm tới, Việt Nam phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 8% năm, vượt qua tình trạng của một nước kém phát triển và thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Liên hợp quốc đánh giá cao hoạt động ngày càng tích cực của Việt Nam tại Liên hợp quốc. Các hoạt động gặp gỡ cấp cao của Lãnh đạo Việt Nam với Liên hợp quốc đã diễn ra thường xuyên hơn. Nhân dịp Liên hợp quốc kỷ niệm 50 năm thành lập, Việt Nam đã tặng Liên hợp quốc phiên bản Trống Đồng Ngọc lũ, hiện được đặt trang trọng tại Trụ sở của Liên hợp quốc. Hiện nay Việt Nam đã là một trong 8 nước triển khai thí điểm sáng kiến “Một Liên hiệp quốc” ở cấp độ quốc gia - một nội dung về cải tổ được LHQ rất coi trọng.

Đặc biệt, với việc Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, có thể nói, vị thế và vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc và trên thế giới được nâng cao nhất từ trước đến nay.

Trở thành một trong 15 thành viên của một cơ quan quan trọng nhất của một tổ chức quốc tế lớn nhất là một vinh dự lớn lao, đồng thời trách nhiệm cũng rất nặng nề. Với tư cách là Ủy viên không thường trực HĐBA Việt Nam có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào quá trình kiến tạo, xây dựng những quyết định quan trọng của HĐBA liên quan đến các vấn đề hòa bình và an ninh quan trọng hàng đầu của các khu vực và thế giới. Việt Nam đã luôn quán triệt tôn chỉ, mục đích, các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, đồng thời tích cực tham vấn, hợp tác chặt chẽ với các uỷ viên khác trong HĐBA đưa ra những quyết sách kịp thời và phù hợp, vì lợi ích chính đáng của tất cả các nước thành viên LHQ.

Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước góp phần làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa và giải quyết hoà bình các cuộc xung đột trên thế giới. Việt Nam ủng hộ và luôn sẵn sàng đóng góp cho quá trình giải trừ quân bị toàn diện và triệt để đồng thời lên án và chủ trương loại trừ chủ nghĩa khủng bố quốc tế dưới mọi hình thức, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tham gia các cơ chế cả trong và ngoài HĐBA về việc tăng cường hỗ trợ tái thiết và phát triển cho những nước vừa trải qua xung đột; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của một quốc gia đã trải qua quá trình tái thiết và phát triển với nhiều vấn đề phải xử lý sau các cuộc chiến tranh ác liệt và đã đạt được những thành tựu quan trọng; đang hoàn tất quá trình chuẩn bị để có thể tham gia một cách có hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, phù hợp với điều kiện và khả năng của mình.

Việt Nam đã cùng với các nước thúc đẩy hợp tác đa phương với LHQ là trung tâm và coi cách tiếp cận đa phương để giải quyết các vấn đề chung là biện pháp hữu hiệu và lâu bền. Chúng ta sẽ tiếp tục đóng góp vào quá trình cải tổ LHQ nói chung và đặc biệt là HĐBA nói riêng nhằm tăng cường tính đại diện, hiệu quả, dân chủ của cơ quan này để có thể ứng phó một cách hiệu quả với những mối đe doạ và thách thức mới của thế kỷ 21, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Theo dangcongsan.vn