Đội ngũ cán bộ hội trưởng thành về trình độ, năng lực, phẩm chất

11:10, 19/10/2010

Gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ VII, công tác cán bộ Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng có nhiều đổi mới được thể hiện rõ qua công tác quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp huyện, cơ sở theo tiêu chuẩn chức danh.

Gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ VII, công tác cán bộ Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng có nhiều đổi mới được thể hiện rõ qua công tác quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp huyện, cơ sở theo tiêu chuẩn chức danh.

 

Phụ nữ
Đội ngũ cán bộ nữ hội đã có nhiều trưởng thành.


Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng và đề xuất với tỉnh uỷ, TW Hội LHPN Việt Nam phê duyệt Đề án “Đào tạo cán bộ Hội chủ chốt Hội LHPN cấp huyện và xã phường, thị trấn giai đoạn (2008 – 2011)”. Đề án này đã tạo điều kiện cho các cấp Hội của tỉnh chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của phong trào phụ nữ và hoạt động Hội thời kỳ đổi mới.

Các cấp Hội đã tranh thủ nguồn lực từ chương trình đào tạo cán bộ vùng Tây Nguyên và nguồn lực từ Đề án 664 của Chính phủ, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công các Hội: Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Trường Phụ nữ TW II, Trường chính trị tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng tại chức tỉnh mở 7 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ (4 lớp sơ cấp nghiệp vụ, 3 lớp trung cấp xã hội cộng đồng chuyên ngành công tác phụ nữ).

Trong 4 năm qua, đã có 4.358 lượt cán bộ Hội được đào tạo nghiệp vụ, 100% chủ tịch, 92.8% Phó Chủ tịch Hội cấp huyện có trình độ đại học; 102/151 (68%) Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, phường, thị trấn tốt nghiệp phổ thông trung học. Ngoài ra, hàng năm đều tổ chức bồi dưỡng, kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội theo chuyên đề thời gian một tuần ở tỉnh và tổ chức các lớp ở huyện. Các huyện, thành làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là Bảo Lâm, Đà Lạt, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đam Rông, Đức Trọng. Hàng năm, cơ quan Hội LHPN tỉnh đều tạo điều kiện và cử cán bộ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và cao cấp lý luận chính trị, quản lý nhà nước, đã cử 14 đồng chí tham gia học tập nâng cao trình độ ở các lớp khác nhau.

Thông qua các hoạt động đào tạo, đội ngũ cán bộ Hội các cấp trong tỉnh đã có bước trưởng thành, trình độ, năng lực ngày càng được nâng cao, có phẩm chất đạo đức tốt, trách nhiệm và sâu sát cơ sở. Dần dần khắc phục được bệnh “hành chính hoá”… Đa số cán bộ được trẻ hoá và chuẩn hoá; cơ cấu độ tuổi cán bộ cơ bản hợp lý – đảm bảo sự kế thừa qua các thế hệ.

Tuy nhiên công tác cán bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cũng còn bộc lộ những hạn chế, đó là: về công tác cán bộ cấp tỉnh nhiều nguồn kế cận các chức danh lãnh đạo, cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn nhưng kinh nghiệm thực tiễn hạn chế. Chưa luân chuyển được cán bộ trẻ từ tỉnh xuống địa phương để đào tạo, bồi dưỡng từ thực tiễn. Một số ban, đơn vị thiếu cán bộ làm việc so với yêu cầu…

Công tác tạo nguồn cán bộ ở địa phương thiếu tầm chiến lược, cán bộ Hội cấp xã có sự hụt hẫng, thường không có người kế thừa khi luân chuyển chủ tịch Hội sang công tác khác hoặc nghỉ hưu. Về chất lượng đội ngũ cán bộ, chất lượng tham mưu của cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, ở tầm vĩ mô còn hạn chế. Việc nghiên cứu tổng kết đúc rút kinh nghiệm, dự báo tình hình lập kế hoạch chiến lược còn ở mức độ nhất định, ở một vài nơi, cán bộ cấp huyện và cơ sở trình độ, năng lực chưa đạt chuẩn chức danh và chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Chế độ đãi ngộ, triển vọng nghề nghiệp đối với cán bộ Hội chưa thoả đáng nên khó tạo được nguồn cán bộ Hội cơ sở.

Để tiếp tục thực hiện tốt các chỉ tiêu về chuẩn hoá đội ngũ cán bộ Hội các cấp, trong những năm còn lại của nhiệm kỳ, các cấp Hội cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và sử dụng cán bộ sau đào tạo. Hội LHPN tỉnh sẽ thực hiện luân chuyển cán bộ trẻ của Văn phòng Hội LHPN tỉnh xuống các huyện, thành Hội để rèn luyện kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 664 và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội giai đoạn (2011 - 2016) đặc biệt tập trung nâng cao kỹ năng cơ bản về lập kế hoạch cá nhân. Kỹ năng thuyết trình, làm việc theo nhóm, kỹ năng đề xuất, giải quyết tình huống, điểm nóng, kỹ năng giám sát, phản biện xã hội…

Tăng cường đào tạo giảng viên cấp tỉnh để kịp thời phục vụ cho các khoá đào tạo tại địa phương. Đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách đối với cán bộ nữ nói chung, cán bộ Hội nói riêng đặc biệt về tuổi nghỉ hưu, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với cán bộ cấp cơ sở.

Việc đánh giá đúng kết quả đạt được và những hạn chế yếu kém của đội ngũ cán bộ hội các cấp tỉnh là rất cần thiết và quan trọng giúp cho các cấp hội trong tỉnh đưa ra được giải pháp hữu hiệu để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Hội vững mạnh đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Th.s Nguyễn Thị Hằng Nga – UVBCH TW Hội LHPN VN – Chủ tịch Hội LHPN Lâm Đồng