Quyết tâm mới từ Đại hội IX

04:10, 13/10/2010

Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX vừa kết thúc thành công đã để lại ấn tượng sâu sắc và niềm tin lạc quan trong dư luận xã hội về tương lai chặng đường phát triển của tỉnh nhà trong 5 năm tới.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX vừa kết thúc thành công đã để lại ấn tượng sâu sắc và niềm tin lạc quan trong dư luận xã hội về tương lai chặng đường phát triển của tỉnh nhà trong 5 năm tới. Đối với phương hướng, mục tiêu tổng quát 5 năm 2011-2015, Đại hội xác định: Phát huy dân chủ, giữ vững đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, trong hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ; đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ cương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy mọi nguồn lực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; đảm bảo quốc phòng, an ninh; đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững.
 
 

Dẫu biết chặng đường phía trước còn bộn bề khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm mới và tiếp tục phát huy tinh thần “đột phá, tăng tốc”, phát huy tiềm năng cùng thế mạnh, nhiệm kỳ IX của Đảng bộ đã thống nhất Nghị quyết phấn đấu đạt những mục tiêu cao hơn 5 năm trước. Đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá 1994) bình quân hàng năm đạt 15-16%; trong đó: Nông – lâm – thủy tăng 7,8-8,3%, công nghiệp và xây dựng tăng 22,5-24,1%, dịch vụ tăng 19-20%. Cơ cấu kinh tế vào năm 2015 sẽ chuyển dịch theo hướng tích cực: nông – lâm – thủy sản 36,8%, công nghiệp và xây dựng 26,8-28%, dịch vụ 35,2-35,8%. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 44,5-46,2 triệu đồng, gấp 2 lần so với năm 2010… Có ít nhất 30% số xã cơ bản đạt các tiêu chí về nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%, trong đó vùng đồng bào DTTS còn dưới 8%.

Để những con số cơ bản, mang ý nghĩa nền tảng trong quá trình phát triển trên thành hiện thực, thời gian tới tỉnh tập trung coi trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; rà soát, điều chỉnh quy hoạch đi đôi với tăng cường quản lý quy hoạch. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy lợi thế so sánh của các lĩnh vực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.
 
Bài học kinh nghiệm từ xác định những khâu đột phá để làm đòn bẩy cho nền kinh tế vẫn còn nguyên giá trị. Do vậy, 5 năm tới, trên cơ sở xác định tiềm năng và thế mạnh, Lâm Đồng chọn 5 khâu đột phá để chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra, giám sát: Phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế  - xã hội, trọng tâm là hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát huy lợi thế các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao; đồng thời từng bước sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp, tạo sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
 
Phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao; sớm hình thành một số khu du lịch lớn, đa dạng hóa các loại hình đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ. Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông, lâm sản và công nghiệp khai thác khoáng sản. Gắn với 5 khâu đột phá là 16 công trình trọng điểm (tăng 5 công trình so với nhiệm kỳ VIII): Các khu công nghiệp: Lộc Sơn, Tân Phú, Phú Hội, Dự án Thủy điện Đồng Nai 5; Các dự án thủy lợi: Đạ Sị, Đạ Lây; Các khu du lịch: Hồ Tuyền Lâm, hồ Đại Ninh, Đan Kia – Đà Lạt; Đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; Các đường liên tỉnh: 721, 725; Các đường vành đai TP. Đà Lạt và Bảo Lộc; Quảng trưởng TP. Đà Lạt; Trung tâm văn hóa thể thao Lâm Đồng. Trong bản đồ phát triển kinh tế, tỉnh xác định 4 vùng kinh tế trọng điểm làm trung tâm, giữ vai trò động lực thúc đẩy các huyện phía Bắc cũng như Nam tỉnh: TP. Đà Lạt và Bảo Lộc, huyện Đức Trọng, huyện Bảo Lâm.

Làm gì để nền kinh tế Lâm Đồng sang chặng đường mới phát triển nhanh và bền vững? Qua Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX cho thấy sự thống nhất là phải ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông – lâm sản có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp năng lượng; tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển hạ tầng để khai thác có hiệu quả diện tích đất của các khu, cụm, điểm công nghiệp.
 
Đối với lĩnh vực du lịch – dịch vụ cần tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư hạ tầng một số khu du lịch mới để kêu gọi đầu tư khai thác, gắn với khu vực miền Trung – Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, hình thành các tam giác phát triển du lịch. Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chợ trung tâm; triển khai chương trình phát triển chợ nông thôn. Quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ khác đảm bảo phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân…
 
Đối với lĩnh vực nông – lâm nghiệp và kinh tế nông thôn, tỉnh xác định phải phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, điện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo nhanh, bền vững. Cần tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật – công nghệ vào sản xuất chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông – lâm sản; bố trí lại cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tạo điều kiện giúp đỡ, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững các mô hình tổ chức sản xuất, các loại hình kinh tế tập thể ở nông thôn. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa nghề rừng; mở rộng diện thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cùng với các biện pháp khác nhằm đảm bảo người dân có thể sống, làm giàu từ nghề rừng, hạn chế và tiến tới chấm dứt nạn phá rừng.
Hồ Lan