Việt Nam: Thành viên tích cực, năng động, có trách nhiệm của ASEM

11:10, 04/10/2010

Suốt 14 năm qua, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tích cực, năng động, có trách nhiệm của ASEM, chủ động thúc đẩy hợp tác Á - Âu trên nhiều lĩnh vực.

Suốt 14 năm qua, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tích cực, năng động, có trách nhiệm của ASEM, chủ động thúc đẩy hợp tác Á - Âu trên nhiều lĩnh vực, bao gồm đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và các hợp tác khác, góp phần tích cực vào việc đổi mới hoạt động và phát triển thành viên của ASEM; qua đó góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, nâng cao tiếng nói của Châu Á, tăng cường sự hiểu biết, gắn kết và thống nhất giữa hai nhóm nước Châu Á và Châu Âu trong những vấn đề còn khác biệt.

asem
Tham gia vào ASEM, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEM 5 (Hà Nội, 10/2004), Hội nghị Bộ trưởng (HNBT) Ngoại giao ASEM 9 (25-26/5/2009), HNBT Kinh tế lần thứ 3 (2001) và HNBT Giáo dục ASEM lần 2 (5/2009).

Tại HNCC ASEM 5 (Hà Nội, 10/2004), Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò tích cực của nước chủ nhà, giải quyết thành công vấn đề mở rộng thành viên, đánh dấu đợt mở rộng thành viên đầu tiên và lớn nhất của ASEM với việc kết nạp thêm 13 nước (3 Châu Á, 10 Châu Âu), nâng tổng số thành viên từ 26 lên 39.

Tại HNBT Ngoại giao ASEM 9 (25-26/5/2009), với tư cách là chủ nhà của Hội nghị, Việt Nam đã chủ động xây dựng chương trình làm việc hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các thành viên, góp phần thúc đẩy Hội nghị ra quyết định lịch sử lần đầu tiên ủng hộ Nga và Ô-xtrây-lia được kết nạp vào ASEM, mở đường cho việc tiếp tục xem xét nguyện vọng gia nhập của Niu-di-lân sau đó. Từ các kết quả trên, tại HNCC ASEM 8, 3 nước đã được chính thức kết nạp vào ASEM.

Về hợp tác kinh tế - tài chính: Với vai trò chủ nhà HNCC ASEM 5, Việt Nam đã thúc đẩy Hội nghị thông qua “Tuyên bố Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn”, định hướng cho hợp tác kinh tế ASEM sau này. Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 9 liền kề với HNCC ASEM 5 góp phần thúc đẩy kênh đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ và tạo khuôn mẫu cho tổ chức các Diễn đàn doanh nghiệp về sau.

Đến năm 2006 (thời điểm kết thúc), Việt Nam đã sử dụng hiệu quả nguồn tiền tài trợ của Quỹ Tín thác ASEM (ATF) như triển khai 21 dự án trên các lĩnh vực cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp, xóa đói giảm nghèo và cải cách hệ thống an sinh xã hội..., được các thành viên đánh giá cao.

Gần đây nhất, Việt Nam đã tổ chức thành công “Tọa đàm doanh nghiệp Á – Âu” (Tp Hồ Chí Minh, 5/2009) hướng tới HNBT Ngoại giao ASEM 9 và “Hội thảo ASEM về vượt qua khủng hoảng: định hình sự phát triển bền vững trong bối cảnh mới” (Nha Trang, 4/2010). Việt Nam là một trong những nước đi đầu đưa ra sáng kiến về hợp tác văn hóa, y tế, giao thông vận tải, môi trường, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và an ninh năng lượng, là nước tham gia Nhóm đi đầu về Phát triển nguồn nhân lực/giáo dục; Phòng chống HIV/AIDS/ Kiểm soát dịch bệnh bùng phát; Văn hoá/du dịch.

Về hợp tác về văn hóa: Việt Nam là một trong những nước đi đầu đưa ra sáng kiến về hợp tác văn hóa, đăng ký tham gia Nhóm đi đầu về Văn hóa du lịch. Với vai trò điều phối của Việt Nam, HNCC ASEM 5 đã thông qua Tuyên bố ASEM về “Đối thoại giữa các nền văn hóa - văn minh”, tại khuôn khổ pháp lý đẩy mạnh hợp tác Á - Âu trong lĩnh vực văn hóa.

Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo “Phối hợp các hoạt động văn hoá nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh ASEM” (Hạ Long, 4/2010), được các nước đánh giá cao.

Về y tế, Việt Nam là nước đầu tiên đưa ra sáng kiến hợp tác y tế trong ASEM vào năm 1999 về “Kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng”, được các nước đánh giá cao. Việt Nam đã đăng ký tham gia đi đầu trong lĩnh vực Phòng chống HIV/AIDS/ Kiểm soát dịch bệnh bùng phát. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, tại HNCC ASEM 7, Việt Nam đã chủ động đề xuất sáng kiến và tổ chức thành công Hội thảo cấp Tổng Vụ trưởng về “Trao đổi kinh nghiệm về sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu và các bệnh mới nổi” (Hà Nội, 4-5/11/2009), được các thành viên đánh giá cao.

Về giáo dục: Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đăng ký tham gia Nhóm đi đầu về Phát triển nguồn nhân lực giáo dục. Tại HNBT Giáo dục lần 2 (Hà Nội, 5/2009), với tư cách chủ nhà, Việt Nam đã thúc đẩy Hội nghị thông qua việc thành lập Ban Thư ký về Giáo dục.

Về giao thông vận tải: sáng kiến “Hội thảo ASEM về tuyến đường sắt tơ lụa Á- Âu” (thông qua tại Hội nghị FMM 6, Ai-len, 4/2004), do Việt Nam đồng tác giả với Hàn Quốc, góp phần mở ra triển vọng nối mạng đường sắt Á - Âu. Việt Nam tiếp tục phối hợp đồng sáng kiến với Lít-va và Trung Quốc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải lần 1 (Lít- va, 10/2009) và lần 2 (dự kiến tại Trung Quốc, năm 2011).

Về môi trường, khoa học công nghệ, Việt Nam đã phối hợp cùng EC tổ chức Hội thảo ASEM về Công nghệ sạch tại Hà Nội (9/2004) - sáng kiến đầu tiên trong khuôn khổ ASEM về lĩnh vực công nghệ sạch, tạo một bước cụ thể đẩy tới nỗ lực hợp tác ASEM về bảo vệ môi trường Tháng 9/2010, Việt Nam đã phối hợp cùng Anh, Đan Mạch, EC và In-đô-nê-xi-a tổ chức thành công “Tọa đàm hợp tác ASEM ứng phó với biến đổi khí hậu” tại Hạ Long, là sáng kiến được thông qua tại Hội nghị FMM 9.

Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động của Quỹ ASEF. Thông qua đại diện của ta tại Hội đồng Thống đốc của Quỹ, cán bộ của ta đã được bầu làm Phó Giám đốc Điều hành Quỹ (8/2008). Việt Nam đã đóng góp cho Quỹ 296.000 USD giai đoạn 1997 - 2010, tổ chức thành công Cuộc họp Hội đồng thống đốc Quỹ lần thứ 16 (Hà Nội, 11/2004), và chủ trì nhiều dự án quan trọng của ASEF.

Theo Website ĐCSVN