Chuyển biến tích cực ở một Công ty Lâm nghiệp

03:12, 09/12/2010

Kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động của Công ty không chỉ là những số liệu mang tính phản ánh mà đó là sự biến đổi về chất trong mỗi cá nhân, trong ý thức trách nhiệm của mỗi con người cụ thể ở từng vị trí, nhiệm vụ được phân công.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lâm trường Bảo Lâm chính là một trong 4 lâm trường được tổ chức sớm nhất của tỉnh Lâm Đồng - năm 1977; ngày 14/11/2005 được chuyển đổi thành Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm. Qua nhiều lần sáp nhập, Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm vẫn giữ được truyền thống của Lâm trường Bảo Lộc (cũ). Với tổng diện tích quản lý là 22.190 ha, lâm phần gồm 24 tiểu khu được trải rộng trên 04 đơn vị hành chính gồm các xã Lộc Lâm, Lộc Phú, Bờ Lá và thị trấn Lộc Thắng nhưng Công ty luôn hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.
 
Tổng số cán bộ công nhân viên là 93 người; trong đó, lao động gián tiếp là 39, lao động trực tiếp là 54; Chi bộ Công ty gồm 15 đảng viên. Quán triệt tinh thần thực hiện Cuộc vận động theo Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ chính trị (khóa X) và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, huyện, Chi bộ đã kịp thời triển khai thực hiện đồng bộ các bước Cuộc vận động trong cán bộ, đảng viên và công nhân lao động, như: học tập các chuyên đề với 100% đảng viên và trên 95% công nhân lao động tham gia; lấy ý kiến đóng góp cho đảng viên và chi bộ; cá nhân viết thu hoạch, đăng ký làm theo tấm gương đạo đức của Bác; tổ chức hội nghị thông qua bản đăng ký làm theo của từng cá nhân; xây dựng chuẩn mực đạo đức…; từ đó, đã tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong toàn Công ty.
 
Xác định nhiệm vụ chính là tổ chức sản xuất kinh doanh và phát triển vốn rừng bằng hoạt động khai thác trắng rừng trồng, trồng lại rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng tỉa thưa rừng trồng; khai thác, chế biến gỗ rừng tự nhiên, gỗ rừng trồng và gỗ tận thu, tận dụng. Tổ chức kinh doanh đa ngành, đa nghề; đẩy mạnh khuyến nông, khuyến lâm; thực hiện giao khoán, bảo vệ rừng, trồng rừng, thực hiện đề án giảm nghèo nhanh và bền vững… Khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động, Ban giám đốc, Chi ủy chi bộ đã xác định từ đầu phải gắn Cuộc vận động với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Công ty thì mới có hiệu quả. Sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động, Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm đã vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, cấm phá rừng và quán triệt tư tưởng đó đến mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động; từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm và từng bước chuyển thành hành động cụ thể của mỗi thành viên trong Công ty. Hàng năm, Chi bộ luôn chỉ đạo chặt chẽ việc gắn từng nội dung chuyên đề của cuộc vận động với nhiệm vụ được giao. Mỗi việc làm tốt hoặc chưa tốt đều được xác định nguyên nhân cụ thể, rút ra những kinh nghiệm thực tiễn, kịp thời bổ sung chương trình hành động, chuẩn mực đạo đức làm theo gương Bác.
 
Công ty đặc biệt chú trọng cải cách lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm, thúc đẩy hoạt động quản lý bảo vệ rừng, sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích. Xây dựng 2 mô hình điểm: thực hiện Cuộc vận động gắn với thực hiện tốt đề án giảm nghèo nhanh và bền vững tại xã Lộc Lâm; tiết kiệm chi phí sản xuất trong chế biến gỗ để nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Kết quả bước đầu triển khai thực hiện 2 mô hình trên là rất đáng khích lệ và cần được nhân rộng. Việc giúp xã Lộc Lâm thực hiện đề án giảm nghèo nhanh và bền vững tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng nhằm ổn định cuộc sống: giao khoán bảo vệ rừng cho xã Lộc Lâm 6.042,28 ha (trong đó, chương trình 5 triệu ha rừng là 3.281,98 ha; ngân sách tỉnh là 2.760,3 ha); 341 hộ nhận khoán với tổng giá trị 1.510.570.000đồng/năm; thu nhập bình quân 4.429.824 đồng/hộ/năm; tổ chức họp dân công khai việc tổ chức trồng rừng, phân bổ diện tích bằng biện pháp bốc thăm, ăn chia công khai theo hình thức tổ, nhóm, thiết kế kịp thời và triển khai đúng mùa vụ để trồng keo tai tượng trong năm 2010 với diện tích 110,81 ha, tổng vốn hỗ trợ là 554.050.000 đồng cho 250 hộ gia đình. Thông qua các công trình lâm sinh, phòng chống cháy rừng, Công ty ưu tiên cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đảm nhận các công trình để tạo công ăn việc làm cho khoảng trên 100 lao động, thu nhập bình quân 3.000.000đ/người/năm. Mô hình tiết kiệm chi phí sản xuất trong chế biến gỗ thực hiện khá hiệu quả, như: chấn chỉnh sai sót trong cưa xẻ cung cấp phôi để nâng tỷ lệ thành khí trong dây chuyền ván ghép thanh và sản phẩm bào 4 mặt; cân đối khả năng cưa xẻ không bị thâm mốc làm giảm chất lượng sản phẩm; tăng tỷ lệ thành khí (đối với CD tăng từ 55% lên 56,1%, mâm cưa tăng từ 42% lên 45,1%); tiết kiệm vật tư cơ bản trong cưa xẻ gỗ (lưỡi CD 13 lưỡi/năm, lưỡi mâm cưa 5 lưỡi/năm, đá mài lưỡi cưa 13 cục/năm; tổng giá trị tiết kiệm 42.991.000 đồng.
 
Có thể khẳng định rằng, nhờ thực hiện tốt Cuộc vận động gắn với thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, tinh thần đoàn kết nội bộ Công ty được giữ vững, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật được coi trọng, không xảy ra khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, công nhân viên khi thực thi công vụ cũng như trong quá trình quan hệ, giao tiếp. Công tác phối hợp với các lực lượng liên quan được thực hiện liên tục và thường xuyên. Diện tích và trữ lượng rừng luôn giữ được sự ổn định bền vững và từng bước phát triển lên. Mặc dù trong tình hình khó khăn chung, Công ty vẫn đạt được những chỉ tiêu trọng yếu về doanh thu, thu nhập thuần, thu nộp nhân sách, lợi nhuận sau thuế; thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên hàng năm đều tăng (năm 2009 4,2 triệu tăng so năm 2008 là 2 trăm ngàn đồng và năm 2007 là 1 triệu đồng); thu hút lao động địa phương 800 người.
 
Kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động của Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm không chỉ là những số liệu mang tính phản ánh mà đó là sự biến đổi về chất trong mỗi cá nhân, trong ý thức trách nhiệm của mỗi con người cụ thể ở từng vị trí, nhiệm vụ được phân công. Những kết quả đạt được qua 4 năm thực hiện Cuộc vận động còn hết sức khiêm tốn so với yêu cầu đặt ra, tới đây Công ty sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng của Cuộc vận động nhằm hướng đến xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, góp phần tích cực cho việc bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng ngày càng bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
 
Hồng Vĩnh