Khó khăn trong công tác phát triển Đảng ở một xã vùng đồng bào DTTS

04:12, 30/12/2010

Ở một số xã, nhất là xã vùng đồng bào DTTS, công tác phát triển đảng viên còn chậm, vẫn còn tình trạng thôn “trắng” đảng viên và chi bộ thôn phải sinh hoạt ghép.

Xác định làm tốt công tác phát triển đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự địa phương, thời gian qua, Huyện ủy Di Linh đã triển khai nhiều nội dung, kế hoạch, hướng dẫn tới các tổ chức, cơ sở Đảng đẩy mạnh công tác này. Song, cho đến nay, ở một số xã, nhất là xã vùng đồng bào DTTS như Bảo Thuận, công tác phát triển đảng viên còn chậm, vẫn còn tình trạng thôn “trắng” đảng viên và chi bộ thôn phải sinh hoạt ghép.
 
Cán bộ nhân dân huyện Di Linh trong một lớp tập huấn về nghiệp vụ.
Cán bộ nhân dân huyện Di Linh trong một lớp tập huấn về nghiệp vụ.

Những năm trước đây, công tác phát triển Đảng ở Bảo Thuận đã được chú trọng, do đó từ một Chi bộ xã, năm 2002, Bảo Thuận đã phát triển và thành lập được Đảng bộ với 42 đảng viên. Tuy nhiên thời gian gần đây, do chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển Đảng nên trong nhiệm kỳ 2005-2010, Bảo Thuận chỉ kết nạp được 23 đảng viên mới, trong khi Nghị quyết phấn đấu kết nạp từ 25 đến 30 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trên địa bàn lên 64 đc, trong đó đảng viên là người DTTS có 38 đc. Số đảng viên kết nạp trong nhiệm kỳ này chủ yếu là giáo viên các trường học trên địa bàn, cán bộ thôn và lực lượng dân quân và công an viên.

Do không làm tốt công tác phát triển Đảng nên hiện nay trong tổng số 09 chi bộ trực thuộc của Đảng bộ còn 05 chi bộ phải sinh hoạt ghép, mà hầu hết tập trung ở các chi bộ thôn. Đặc biệt, trong số 11 thôn của xã vẫn còn 01 thôn tái trắng đảng viên. Cụ thể là ở thôn nơi 100% dân số là người DTTS gốc Tây Nguyên sinh sống. Theo đ/c Đăng K’Loan Tin – Bí thư Đảng ủy xã, do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Phần lớn, bà con mải lo công việc nương rẫy nên không mặn mà với các phong trào hoạt động đoàn thể, xã hội, do đó công tác phát triển Đảng của Đảng bộ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt hiện nay còn nhiều bất cập, năng lực điều hành, làm việc chủ yếu dựa vào uy tín của cá nhân, vì vậy, không thúc đẩy được các phong trào hoạt động nên không thu hút được lực lượng nòng cốt ở cơ sở, là nguồn cán bộ kế cận. Một nguyên nhân quan trọng nữa đó là cấp ủy Đảng từ xã xuống thôn ở Bảo Thuận chưa thực sự quan tâm chăm lo đến công tác phát triển đảng, bởi thực tế ở địa phương có nhiều em cũng đã tốt nghiệp THPT, có nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng, thực sự là nguồn để phát triển, nhưng lại không được phát hiện và bồi dưỡng kịp thời.


So với nhiều xã vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, những năm gần đây Bảo Thuận là địa phương tương đối ổn định và phát triển về đời sống kinh tế - xã hội, nhưng từ năm 2009 đến nay, Đảng bộ Bảo Thuận chưa phát hiện, bồi dưỡng và đưa đi học đối tượng Đảng được quần chúng nào. Trong thời gian này Đảng bộ xã cũng chỉ mới kết nạp được 06 đảng viên, so với chỉ tiêu Đảng bộ đề ra là không đạt. Đ/c Đăng K’Loan Tin – Bí thư Đảng ủy xã khẳng định, ở thôn nào có chi bộ và đông đảng viên thì việc triển khai các hoạt động cũng thuận lợi. Quần chúng ưu tú khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng đã thể hiện, phát huy tốt vai trò là hạt nhân lãnh đạo, tiên phong trong các phong trào, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, chấp hành pháp luật. Song, Đ/c Đăng K’Loan Tin cũng thừa nhận: “Công tác phát triển đảng trên địa bàn xã không liên tục, nhất là ở khu dân cư có đồng bào DTTS sinh sống, mặc dù nguồn phát triển đảng vẫn còn...”. Chính vị thế, có chi bộ nhiều năm liền không phát triển được đảng viên nào.

Trước những tồn tại nêu trên, Đảng ủy xã Bảo Thuận đã đề ra một số giải pháp như: tăng cường công tác nắm bắt tình hình cơ sở về công tác xây dựng Đảng, tổ chức Đảng ở thôn; nâng cao và đổi mới chất lượng sinh hoạt chi bộ; phân công đảng ủy viên phụ trách chi bộ cơ sở, giúp chi bộ xây dựng kế hoạch, nội dung sinh hoạt, cũng như công tác quy hoạch, bồi dưỡng phát triển đảng viên, tạo nguồn cán bộ, trong đó, chú trọng đến đối tượng là đồng bào DTTS ở các thôn. Đặc biệt, Bảo Thuận đẩy mạnh công tác tư tưởng, công tác vận động quần chúng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị đẩy mạnh các phong trào hoạt động, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, đoàn thể như, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... thu hút, tập hợp quần chúng, lực lượng thanh niên tham gia. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc của mỗi cá nhân có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng xã hội, từ đó phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú vào Đảng; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng ở nơi có đông đồng bào DTTS, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Hy vọng, bằng các giải pháp đồng bộ, cụ thể mà Đảng bộ Bảo Thuận đang triển khai thực hiện, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều đảng viên là người DTTS được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tạo nên sức sống mới trong các thôn ở Bảo Thuận, góp phần thực hiện mục tiêu xóa thôn trắng Đảng viên trong năm 2011 mà NQ BCH Đảng bộ huyện đã đề ra.

Văn Tường