Sau khi Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết số 28 – NQ/TW ngày 22/9/2008 “về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã xây dựng chương trình hành động thực hiện và tổ chức lãnh, chỉ đạo đạt nhiều kết quả tích cực.
Một góc thành phố Đà Lạt. Ảnh Ngọc Minh |
Qua triển khai thực hiện, thực tế cho thấy công tác giáo dục quốc phòng, an ninh được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân các địa phương trong xây dựng khu vực phòng thủ. Chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang ngày càng nâng cao, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu thường xuyên được tăng cường… Tuy nhiên việc xây dựng khu vực phòng thủ của Lâm Đồng cũng còn một số hạn chế như: Nhận thức của một số cán bộ chủ chốt, nhất là ở cơ sở còn chưa đầy đủ; kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và việc đảm bảo cho động viên quốc phòng, động viên thời chiến, dự trữ vật chất cho khu vực phòng thủ còn bất cập…
Trước tình hình trên, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã vừa ban hành Công văn “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc trong tình hình mới”. Công văn nhấn mạnh: Cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 28 – NQ/TW; chương trình hành động của Tỉnh ủy… Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, của cả hệ thống chính trị trong xây dựng khu vực phòng thủ theo cơ chế thống nhất “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu, quân sự, công an làm nòng cốt”. Thực hiện phương châm “Nắm vững quan điểm của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng - an ninh, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc, nâng cao chất lượng tổng hợp… Thực hiện tốt công tác dân vận quần chúng với phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Đặc biệt phải kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh. Muốn vậy cần chú trọng các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo nhiều việc làm cho người lao động, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng khu vực phòng thủ ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và địa phương trên cơ sở xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.