Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp để tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện nhà nước của dân, do dân, vì dân

02:04, 26/04/2011

Chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày hội toàn dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 (ngày 22/5/2011). Trong không khí náo nức, khẩn trương chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử tỉnh Lâm Đồng.

* Là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân

Chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày hội toàn dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 (ngày 22/5/2011). Trong không khí náo nức, khẩn trương chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử tỉnh Lâm Đồng.

* PV: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016 là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và của tỉnh Lâm Đồng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân trông đợi và kỳ vọng, xin đồng chí cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng  của sự kiện chính trị này?

 
* Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến
: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 được diễn ra ngay sau thời điểm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI kết thúc thắng lợi; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phấn khởi, tin tưởng và đang khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Cương lĩnh chính trị và Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra. Khác với những kỳ bầu cử lần trước, cuộc bầu cử lần này có điểm đặc biệt, đây là lần đầu tiên việc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được tổ chức thống nhất trong cùng một ngày – ngày Chủ nhật 22/5/2011. Vì vậy, đây không chỉ là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước; mà còn là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; là ngày hội lớn để nhân dân phát huy quyền dân chủ, trực tiếp lựa chọn, giới thiệu và bầu ra những đại biểu ưu tú, có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ 2011 - 2016. Thắng lợi của cuộc bầu cử sẽ góp phần tạo sự đồng bộ trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; là dịp để chúng ta tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

* PV: Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực triển khai các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Xin đồng chí cho biết kết quả công tác chuẩn bị bầu cử của tỉnh đến thời điểm này?

* Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến: Quán triệt và thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành chỉ thị và thành lập Ban chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016 để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh. Ngày 14/2/2011, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Uỷ ban Bầu cử để trực tiếp triển khai công tác chuẩn bị bầu cử; cũng tại thời điểm đó, Uỷ ban Bầu cử các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn cũng đã được thành lập để triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu. Vì vậy, các nhiệm vụ, các khâu, các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã được thực hiện một cách khẩn trương, nghiêm túc, đúng yêu cầu và quy trình theo quy định của pháp luật.

Công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử được các cấp, các ngành và các phương tiện thông tin đại chúng triển khai tích cực với nhiều hình thức, cách thức khác nhau. Hàng nghìn cuốn tài liệu hỏi đáp về cuộc bầu cử và hướng dẫn về quy trình hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã được phân phát; các pano, áp phích, băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền về cuộc bầu cử đã được dựng lên ở các khu vực dân cư; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã tăng thời lượng phát sóng để tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Báo Lâm Đồng cũng đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục để đưa tin và các bài viết về cuộc bầu cử... Qua đó, đã và đang góp phần tạo nên không khí sinh hoạt chính trị sôi nổi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử Hội đồng nhân dân, với 12 đơn vị hành chính cấp huyện và 148 đơn vị hành chính cấp xã, dân số 1.212.648 người với trên 773.000 cử tri, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp lần này, tỉnh ta được bầu 7 đại biểu Quốc hội; 73 đại biểu HĐND tỉnh (khoá VIII); HĐND cấp huyện được bầu 425 đại biểu và các HĐND cấp xã được bầu tổng số 4.140 đại biểu.

Để chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức các bước và các hội nghị hiệp thương đúng quy trình, với tinh thần dân chủ, các thành viên của Mặt trận đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng, trách nhiệm cao để góp phần quyết định việc giới thiệu người ra ứng cử. Vì vậy, qua 3 hội nghị hiệp thương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã lập được danh sách những người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp với số lượng phù hợp theo quy định của pháp luật, cơ cấu, thành phần hợp lý. Để có điều kiện lựa chọn và bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp như đã nêu, Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã lựa chọn và giới thiệu 11 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII; 107 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khoá VIII; 673 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 6.339 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Nhìn chung, trình độ của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp lần này được nâng lên khá cao, cơ cấu định hướng tỷ lệ nữ đảm bảo trên 30%, tỷ lệ dân tộc tương ứng với yêu cầu của địa phương, tỷ lệ trẻ, ngoài đảng cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Để thực hiện công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh, Chính phủ đã thành lập 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, UBND tỉnh đã thành lập 17 đơn vị bầu cử HĐND tỉnh khoá VIII; các huyện, thành phố đã thành lập 124 đơn vị bầu cử HĐND cấp huyện; các xã, phường, thị trấn đã thành lập 1.092 đơn vị bầu cử HĐND cấp xã và 1.119 khu vực bỏ phiếu. Đồng thời, các xã, phường, thị trấn và các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn đã tiến hành lập và niêm yết danh sách cử tri tại 1.143 điểm theo đúng thời gian quy định. Uỷ ban bầu cử của tỉnh đã thường xuyên việc kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử của các địa phương trong tỉnh, kịp thời chỉ đạo và đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, các khâu và các bước theo đúng yêu cầu.

Nhìn chung, cùng với các địa phương khác trong cả nước, Lâm Đồng đã tổ chức triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đúng luật, đảm bảo đúng quy trình, dân chủ, công khai. Đồng thời đang tiếp tục triển khai các bước và các công việc còn lại để đảm bảo cho cuộc bầu cử được diễn ra theo đúng yêu cầu và tinh thần Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 5/1/2011 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 192/CT-TTg ngày 30/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các quy định, hướng dẫn của Hội đồng bầu cử Trung ương.

* PV: Để cuộc bầu cử được diễn ra tốt đẹp, các nhiệm vụ và công việc trọng tâm xuyên suốt cần được triển khai trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh từ nay đến ngày bầu cử này là gì thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến: Như đã nói ở trên, cuộc bầu cử lần này là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, là ngày hội lớn để nhân dân phát huy quyền dân chủ, lựa chọn để bầu ra những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình vào Quốc hội và HĐND các cấp. Để cuộc bầu cử diễn ra thành công, từ nay đến ngày bầu cử, chúng ta cần quan tâm triển khai và thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

- Trước hết, cần bám sát kế hoạch và chỉ đạo của Hội đồng bầu cử Trung ương, chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ cho công tác bầu cử. Tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trình bày chương trình hành động của mình, đồng thời để cử tri bày tỏ nguyện vọng, gửi gắm niềm tin đối với những người ra ứng cử. Để các hội nghị tiếp xúc cử tri đạt kết quả, hệ thống chính trị ở các cấp cần thông báo đến cử tri về kế hoạch, thời gian, vận động đông đảo cử tri tham gia.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nhân dân và cử tri hiểu biết sâu sắc về luật, thể lệ bầu cử, cơ cấu, số lượng đại biểu được bầu, niêm yết danh sách, tiểu sử tóm tắt của những người ra ứng cử... để cử tri biết và lựa chọn để bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Công tác tuyên truyền cần được chuẩn bị kỹ về nội dung và hình thức, phù hợp với từng đối tượng, bám sát các địa bàn dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tốc thiểu số.

- Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, đề cao cảnh giác, đập tan mọi âm mưu phá hoại và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về cuộc bầu cử. Giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường công tác dân vận chính quyền, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và địa phương để giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc của nhân dân.

- Các ngành, các địa phương cần phải thể hiện quyết tâm cao nhất trong công tác bầu cử, có nhiều biện pháp để tuyên truyền, vận động cử tri tham gia bỏ phiếu với tỷ lệ cao nhất; phát huy tinh thần trách nhiệm của công dân trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, lựa chọn để bầu đủ số lượng đại biểu cần bầu, góp phần cho cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất.

- Cùng với chỉ đạo công tác bầu cử, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và công tác xây dựng Đảng theo nghị quyết của Tỉnh uỷ; thực hiện tốt các kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ về kinh tế - xã hội năm 2011 và những nhiệm vụ, biện pháp nhằm kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!
 
NGUYỆT THU (THỰC HIỆN)