Tự hào được làm công dân của Lâm Đồng

02:04, 28/04/2011

90 tuổi đời, 64 tuổi Đảng, thiếu tướng Phạm Văn Kha, nguyên chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh, Chủ tịch Hội CCB Lâm Đồng đã kinh qua nhiều chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và  đế quốc Mỹ, đã đóng góp một phần công sức làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

90 tuổi đời, 64 tuổi Đảng, thiếu tướng Phạm Văn Kha, nguyên chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh, Chủ tịch Hội CCB Lâm Đồng đã kinh qua nhiều chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và  đế quốc Mỹ, đã đóng góp một phần công sức làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau 36 năm ngày Bắc - Nam xum họp một nhà, nhìn lại chặng đường qua, cùng quê hương, đất nước, thiếu tướng Phạm Văn Kha tự hào đã đóng góp một phần công sức cho sự phát triển của đất nước và được làm công dân của tỉnh Lâm Đồng giàu đẹp.

PV: Thưa thiếu tướng! xin thiếu tướng sơ lược vài nét về con đường binh nghiệp của mình.

 
Thiếu tướng Phạm Văn Kha:
Tôi tham gia cách mạng từ rất sớm và tham gia cướp chính quyền thành công ở Nam Định. Cuối tháng 9/1945, tôi được cử đi học Trường quân chính Việt Nam khóa VI ở thị xã Sơn Tây. Bế giảng khóa học, tháng 12/1945, tôi tình nguyện đi Nam tiến và được giao chức vụ trung đội trưởng. Trong kháng chiến chống Pháp, tôi chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên Liên khu 5 với cương vị Tham mưu trưởng Trung đoàn 84 và Trung đoàn 108 quân chủ lực. Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi chiến đấu ở chiến trường khu VI, với cương vị Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng quân khu VI. Ngay sau khi Đà Lạt được giải phóng, tôi cùng đơn vị lên nhận nhiệm vụ tại tỉnh Tuyên Đức và đến tháng 3/1976, khi quân khu VI giải thể, tôi được giao nhiệm vụ làm chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng. Ở cương vị Chỉ Huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh, được sự chỉ đạo của Quân khu V và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, tôi đã chỉ huy các lực lượng vũ trang địa phương tiến hành cuộc đấu tranh chống sự phá hoại của các thế lực thù địch cách mạng và lực lượng phản động Fulro.

Trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ này, với đường lối chiến lược tài tình của Đảng, của Bộ Quốc phòng và sự hỗ trợ hết mình của nhân dân, quân và dân Tây Nguyên đã làm thất bại hoàn toàn “chiến lược hậu chiến tranh” của kẻ địch, làm tan rã lực lượng Fulro có sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch trong – ngoài nước.

Đến năm 1986, Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng đã cơ bản giải quyết được vấn đề Fulro, bắt tay vào xây dựng, phát triển kinh tế, tôi với vai trò chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo lực lượng vũ trang ở tỉnh vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia sản xuất, làm kinh tế của vùng địa phương.

Tháng 12/1989, tôi được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng và là UVBH Hội CCB Việt Nam khóa 1, 2, 3 và Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội CCB khóa 2, khóa 3. Năm 2004, tôi chính thức nghỉ công tác Hội CCB về sống tại nhà số 4, Thông Thiên Học phường 2, Đà Lạt. Nhìn lại chặng đường binh nghiệp của bản thân, tôi luôn tự hào vì mình đã xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, vì lẽ đó, tôi đã được Đảng – Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương độc lập hạng Nhì và nhiều huân, huy chương khác.

PV: Vậy, xin thiếu tướng cho biết cảm nhận của mình về Lâm Đồng, Đà Lạt sau 36 năm nước nhà thống nhất?

Thiếu tướng Phạm Văn Kha: Ngày tiến quân lên Đà Lạt năm 1975, tôi cảm nhận về một phố núi thân thương, mến người, mến khách, nhưng còn nghèo nàn, lạc hậu và mang trên mình nhiều dấu tích của chiến tranh, của một thời nô lệ. Trong những năm tháng sau đó, vừa phải chiến đấu chống sự phá hoại của các thế lực thù trong, giặc ngoài, đất nước ta (nói chung), Lâm Đồng (nói riêng) phải “gồng mình” trong đói nghèo, khốn khó khi không đủ lương thực, thuộc men, cái đói, cái bệnh tật hoành hành khắp mọi miền đất nước. Nhưng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng và đức tính cần cù, chịu khó, yêu nước, yêu cuộc sống của người dân, Việt Nam đã trở thành một quốc gia lớn mạnh về KT – XH, ổn định về chính trị trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Lâm Đồng không ngừng giàu đẹp.

Từ một tỉnh nghèo của Tây Nguyên, ngày nay Lâm Đồng đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên dưới 14%, thu nhập bình quân đầu người trên 19 triệu đồng/ năm, xã hội phồn thịnh, ANCT – TTATXH luôn được đảm bảo và Đà Lạt đang ngày “xanh – sạch – đẹp – văn minh” hơn, là công dân một địa phương giàu đẹp, trong những năm tháng còn công tác, tôi luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nay trở về làm một người dân bình thường, tôi cũng luôn nêu cao ý thức trách nhiệm của một đảng viên, một công dân trong việc chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối. Để đóng góp được nhiều cho sự giàu đẹp của quê hương đất nước, tôi ý thức được rằng bản thân và gia đình cần phải có những việc làm thiết thực, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền ngày càng vững mạnh. Trước mắt, cần phải tích cực tham gia ngày bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, nhằm từng bước xây dựng thành công Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN, đảm bảo ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.

PV: Xin cảm ơn thiếu tướng!
Hoàng Kiến Giang