Những giải pháp mới của UBND tỉnh để bảo vệ tài nguyên rừng và khoáng sản

03:04, 17/04/2011

Tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 (mở rộng) ngày 14/4/2011, đồng chí Hoàng Sĩ Sơn - UV Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã thông báo nhanh một số giải pháp của tỉnh trước các vấn đề bức xúc và nổi cộm như sau.

Tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 (mở rộng) ngày 14/4/2011, đồng chí Hoàng Sĩ Sơn - UV Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã thông báo nhanh một số giải pháp của tỉnh trước các vấn đề bức xúc và nổi cộm như sau.

Trước hết, nhằm khắc phục tình trạng khô hạn, đặc biệt là đối với các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên đang trong giai đoạn sản xuất nông nghiệp hè thu, UBND tỉnh đã làm việc với Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 đang phát điện thử 2 giờ trong ngày, bình quân xả 150 m3/s sẽ tăng lên 3-4 giờ phát điện/ngày; Nhà máy Thủy điện Đại Ninh sẽ xả nước 24/24 giờ với lượng nước 0,7 m3/s.

Thời gian qua, mặc dù các huyện có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và khoáng sản nhưng tình hình vi phạm vẫn diễn ra phức tạp. Tỉnh đang tiến hành thanh tra, kiểm tra một cách quyết liệt. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép.

Vừa qua, tỉnh đã khởi tố một số trường hợp phá rừng, tập trung giải tỏa các bãi khai thác thiếc, trục xuất người lao động không có hộ khẩu tại địa phương, xử phạt các đầu nậu và bố trí lực lượng cắm chốt tại các điểm nóng như Tà Năng, Đà Loan (huyện Đức Trọng), Lạc Dương. Để bảo vệ tài nguyên rừng và hạn chế tình trạng tranh chấp đất rừng, tỉnh ngừng thu hút các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất rừng.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 400 dự án đầu tư vào rừng; trong đó nhiều chủ dự án không thực sự có thiện chí. Do vậy, tỉnh sẽ tiến hành rà soát các dự án để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và kiên quyết thu hồi giấy phép của các chủ đầu tư “trùm mền”, chờ thời cơ sang nhượng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hạn chế việc cấp giấy phép cho các đơn vị thăm dò, khai thác khoáng sản và khai thác nhựa thông không tuân thủ quy trình kỹ thuật.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Sắp tới, tỉnh sẽ ban hành đề án không tổ chức việc đấu thầu gỗ (Bộ KH-ĐT cho phép hàng năm được khai thác 25.000 m3 gỗ và 80.000 m3 gỗ tận thu) nhằm khắc phục hiện tượng giá trúng thầu thường thấp so với giá sàn và gỗ tròn vẫn ra ngoài tỉnh. Biện pháp này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ tinh tại địa phương có điều kiện mua gỗ, đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh đang yêu cầu Sở KH-ĐT rà soát lại các doanh nghiệp được cấp giấy phép chế biến gỗ song thực chất chỉ là các xưởng cưa tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.

BÌNH NGUYÊN