Công tác cán bộ nữ - Cần một tầm nhìn mới

03:05, 18/05/2011

Số lượng cán bộ công chức nữ toàn tỉnh là 2.458/9.748 người (chiếm 25%). Công tác quy hoạch cán bộ nữ luôn phấn đấu bảo đảm có tỉ lệ nữ thích đáng trong hệ thống chính trị các cấp. Nhưng trong thực tế chưa đạt chỉ tiêu đề ra

Công tác cán bộ nữ trên bình diện cả nước, cũng như tại Lâm Đồng vẫn chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội nhằm đạt mục tiêu xóa bỏ định kiến về giới. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ, phát triển đảng viên nữ ở nhiều nơi chưa chú trọng và quan tâm đúng mức, nên chưa đạt chỉ tiêu đề ra, nhất là cán bộ nữ dân tộc thiểu số. Tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp còn thấp.

Về cơ bản các quy định về quyền và nghĩa vụ của nam và nữ đều như nhau trong hoạt động công vụ. Các quy định về đánh giá, khen thưởng, kỷ luật không phân biệt nam nữ. Điều kiện tiêu chuẩn đăng ký dự tuyển cán bộ, công chức do Nhà nước ban hành không cho phép phân biệt giới tính khi tuyển dụng. Thực hiện bình đẳng nam nữ trong quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo. Tuổi bổ nhiệm lần đầu cho các vị trí lãnh đạo từ cấp trưởng, phó phòng cấp huyện và tương đương cho cả nam và nữ đều cần đủ tuổi để công tác trọn một nhiệm kỳ. Chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp chi trả không phân biệt công chức nam hay nữ. Quy chế cử công chức đi đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước quy định tuổi của nam và nữ như nhau…
 
Cán bộ nữ chiếm đa số trong các nhà máy, công xưởng. (Trong ảnh: Khâu đóng chai rượu vang tại Công ty CP Rượu bia Đà Lạt).
Cán bộ nữ chiếm đa số trong các nhà máy, công xưởng. (Trong ảnh: Khâu đóng chai rượu vang tại Công ty CP Rượu bia Đà Lạt).

Số lượng cán bộ công chức nữ toàn tỉnh là 2.458/9.748 người (chiếm 25%). Công tác quy hoạch cán bộ nữ luôn phấn đấu bảo đảm có tỉ lệ nữ thích đáng trong hệ thống chính trị các cấp. Nhưng trong thực tế chưa đạt chỉ tiêu đề ra, mặc dù số lượng phụ nữ tham chính nhiệm kỳ này (2010 -2015) có tăng hơn so với nhiệm kỳ trước (2005-2010). Cụ thể: Trong các tổ chức cơ sở đảng tại Lâm Đồng có 663 cấp ủy viên nữ/ 3.915 đồng chí, đạt gần 20% so với nhiệm kỳ trước 13,3%. Tham gia vào Ban Thường vụ có 46 nữ, chiếm gần 7% (nhiệm kỳ trước là 4,28%). Phụ nữ giữ chức vụ Bí thư cơ sở Đảng có 62/790 đồng chí và hầu hết cán bộ Hội Phụ nữ có tham gia cấp ủy cơ sở.

Số đảng viên nữ chiếm khoảng 30% trong tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng. Số lượng nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ này có 6 nữ/55 đồng chí, tỉ lệ gần 11% (nhiệm kỳ trước có 4 nữ /49 đồng chí, khoảng 8%). Tham gia vào Ban Thường vụ có 2 nữ (chiếm 13,3%), trong khi nhiệm kỳ trước chỉ có 1 nữ/13 đồng chí. Cấp ủy huyện và tương đương nhiệm kỳ này có 78 nữ/594 đồng chí (đạt 13,13%, tăng không đáng kể so với nhiệm kỳ trước 12,4%), trong đó tham gia Ban Thường vụ có 12 nữ (chiếm 6,8%). Toàn tỉnh có 796 nữ đại biểu HĐND các cấp, chiếm 18,5% tổng số đại biểu, trong đó, tỉ lệ cao nhất ở cấp tỉnh 16 nữ (22,5%), cấp huyện - thành phố 78 nữ (18,8%) và cấp xã - phường - thị trấn có 702 nữ (18,4%). Nỗ lực đạt 30% tỉ lệ nữ đại biểu được bầu trúng cử vào HĐND các cấp khóa này (nhiệm kỳ 2011-2016) là sự kỳ vọng lớn.

Theo đánh giá, hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác cán bộ nữ thời kỳ CNH, HĐH đất nước, nhìn chung tỉ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý nhiều lĩnh vực từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở chưa mang tính bền vững và đồng đều ở các cấp, các ngành. Chẳng hạn: Đức Trọng và Đạ Tẻh không có cán bộ nữ dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên tham gia vào cấp ủy và bộ máy quản lý nhà nước. Đặc biệt, Đức Trọng có 2 nữ huyện ủy viên giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện. Tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ này tăng hơn so với nhiệm kỳ trước nhưng một số chức danh lại có ít nữ, hoặc không có (khóa này không có nữ Phó Bí thư Huyện ủy). Tỉ lệ phát triển đảng viên nữ năm 2010 thấp hơn so với năm trước. Về chất lượng, cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý thường đảm nhiệm ở lĩnh vực văn hóa - xã hội và các đoàn thể, có rất ít ở các lĩnh vực chuyên môn khác. Cán bộ nữ là cấp trưởng rất ít, phần nhiều là cấp phó. Nhiều nữ lãnh đạo chủ chốt các cấp lớn tuổi, không tham gia trong nhiệm kỳ này sẽ nghỉ hưu, hoặc bố trí công tác khác. Nguồn kế cận không được đào tạo bổ sung kịp thời, khả năng tiếp nối liên tục trong công tác lãnh đạo, quản lý của cán bộ nữ ở các vị trí cao hơn sẽ bị gián đoán trong vài năm tới. Công tác cán bộ nữ chưa đồng bộ và toàn diện, chưa sát thực tiễn của địa phương, đơn vị, nhiều nơi còn mang tính hình thức trong việc quy hoạch, đánh giá, đề bạt nữ cán bộ, chưa thể hiện được tính chiến lược trong công tác này. Hạn chế trong cách làm này đã ảnh hưởng đến uy tín và năng lực lãnh đạo, điều hành quản lý của cán bộ nữ.

Trong tham luận về tình hình công tác cán bộ nữ hiện nay và những giải pháp cơ bản tăng cường công tác cán bộ nữ của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Thanh Long - Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy đưa ra các giải pháp cơ bản vừa mang tính lâu dài, vừa đáp ứng giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt: Tập trung tuyên truyền Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Luật Bình đẳng giới, Chương trình hành động số 39 của Tỉnh ủy nhằm làm chuyển biến nhận thức về bình đẳng giới, về công tác cán bộ nữ trong tình hình mới. Các cấp ủy, các ngành, địa phương, đơn vị cần nghiêm túc triển khai đồng bộ công tác quy hoạch cán bộ và cán bộ nữ một cách dân chủ, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, ưu tiên các ngành, lĩnh vực thiếu nhiều cán bộ nữ. Cần phải thực hiện, khi ở đơn vị nào đó quy hoạch mà tỉ lệ cán bộ nữ không đạt so với quy định thì cấp có thẩm quyền không xác nhận quy hoạch cán bộ cho đơn vị đó. Quy hoạch phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, gắn với luân chuyển cán bộ, đồng thời quy hoạch phải được rà soát, bổ sung và điều chỉnh hàng năm. Thực hiện tốt công tác tạo nguồn và phát triển đảng trong phụ nữ. Quan tâm tuyển dụng cán bộ nữ đảm bảo cơ cấu nữ trong bộ máy cán bộ hợp lý (30%). Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, tăng chỉ tiêu cán bộ nữ được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Có chính sách hỗ trợ cán bộ nữ tham gia các khóa đào tạo dài hạn, có con nhỏ, xa gia đình. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành.
DIỆU HIỀN