Hội nghị báo chí toàn quốc 2011

03:05, 08/05/2011

Ngày 5/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc nhằm đánh giá hoạt động báo chí năm 2010, triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí năm 2011.

*Đ/c Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng: Báo chí phải tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân

Ngày 5/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc nhằm đánh giá hoạt động báo chí năm 2010, triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí năm 2011.

Tới dự Hội nghị có đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng gần 500 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo các Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin – Truyền thông các tỉnh, thành và lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Trong năm qua, hoạt động báo chí đã diễn ra hết sức sôi nổi, phong phú, đa dạng. Tuyệt đại đa số các cơ quan báo chí đã thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin đúng đắn, kịp thời, đầy đủ về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, các sự kiện lớn trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Công tác báo chí năm 2010 đã góp phần thông tin nhanh, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, đáp ứng tốt quyền được thông tin của nhân dân; kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong toàn quốc; đồng thời tuyên truyền tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tất cả các loại hình báo chí đã chủ động tích cực tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, ngăn chặn suy giảm, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ.

Nhiều cơ quan báo chí đã tham gia, đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn, tiêu cực xã hội; đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, thành tựu đổi mới của nhân dân ta…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư biểu dương và chúc mừng những kết quả tích cực của công tác chỉ đạo, quản lý báo chí và các hoạt động báo chí đạt được trong năm 2010 vừa qua. Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm còn tồn tại trong hoạt động báo chí: Một số cơ quan báo chí chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm chính trị, tư tưởng của báo chí, thiếu nhạy cảm về chính trị, có những bài viết không phù hợp với định hướng thông tin, với tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ của tờ báo; đưa tin quá nhiều về các vụ án, các vụ việc tiêu cực trên một số báo, trang báo gây cảm giác nặng nề; thông tin sai sự thật, sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng, mô tả quá tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác, đưa thông tin và hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam…

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2011, đồng chí Trương Tấn Sang chỉ đạo các cơ quan báo chí phải tập trung  tuyên truyền phục vụ tốt đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết, các văn kiện Đại hội XI của Đảng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để tạo sự thống nhất trong toàn Đảng và toàn xã hội, tổ chức thực hiện thắng lợi trong cuộc sống. Cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 để sự kiện này thật sự là ngày hội của toàn dân. Đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu đổi mới của đất nước trên các lĩnh vực; cổ vũ, động viên, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt để tăng cường sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, tương lai của đất nước. Báo chí cần tiếp tục tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; phê phán, lên án các hiện tượng tiêu cực để giữ vững ổn định xã hội, tăng thêm niềm tin để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên về cả nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí phải nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với nhau để nắm sát tình hình hoạt động báo chí, chỉ đạo, định hướng thông tin kịp thời; bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động.

HỒ LAN