Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, Lâm Đồng đã tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết một cách quyết liệt, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về đời sống vật chất,tinh thần của người nghèo, đặc biệt là đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, tạo niềm tin vững chắc của người dân vùng sâu, vùng xa đối với Đảng và Nhà nước.
Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, Đam Rông đã và đang tạo bước chuyển mạnh mẽ về đời sống kinh tế - xã hội, những hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững |
Khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Lâm Đồng có 1 huyện là Đam Rông và 16 xã có tỷ lệ hộ nghèo chung trên 45%, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên 53,9%, có 78 thôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 43,4%. Để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả ngay từ đầu, UBND tỉnh đã mở hội nghị quán triệt với lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND huyện, trưởng phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện, chủ tịch UBND các xã nghèo trong tỉnh. Các huyện đều thành lập Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững và phân công theo dõi giúp đỡ các xã lập dự án và triển khai dự án. UBND tỉnh đã ban hành chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, ban hành quy định về một số chính sách đối với các hộ gia đình, người lao động có hộ khẩu thường trú tại 16 xã nghèo do tỉnh đầu tư. Quy định này là cơ sở để các xã, thôn, huyện nghèo áp dụng trong việc thực hiện cơ chế chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo của các huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án giảm nghèo. Các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, UVBTV Tỉnh ủy cùng các ngành chức năng của tỉnh trực tiếp đi kiểm tra tình hình ở thôn, xã để kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn cho các xã, thôn. Lâm Đồng đã thực hiện và vận dụng chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững theo NQ 30a của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đối với huyện Đam Rông, tranh thủ nguồn lực của Nhà nước, tận dụng nguồn lực hỗ trợ của các doanh nghiệp, cá nhân, tập trung đầu tư đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, sản xuất, đời sống xã hội, tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức để tập trung thực hiện kế hoạch giảm nghèo cho từng hộ, từng thôn, từng xã theo từng kỳ, 6 tháng, hàng năm. Kết quả tại huyện nghèo Đam Rông đã khởi công xây dựng 1 hồ chứa nước vốn đầu tư hơn 38 tỷ đồng, 2 đập dậng vốn 11,7 tỷ đồng, xây dựng 2 nhà văn hóa, 1 trường dân tộc nội trú, 1 chợ tại xã Đạ Rsal. Giao khoán quản lý bảo vệ gần 41 ha rừng cho 2.528 hộ đồng bào dân tộc thiểu số… Đối với 16 xã nghèo, bằng nguồn ngân sách địa phương đã phân bổ cho mỗi xã 3 tỷ đồng, năm 2010 thêm 1 tỷ đồng/ xã để hỗ trợ đầu tư cho sản xuất, cho công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao đời sống cho bà con. Các xã đã giao khoán quản lý bảo vệ được 76.203 ha rừng, trồng mới 226 ha, khai hoang 52 ha đất sản xuất, chuyển đổi cây trồng 756 ha; hỗ trợ học nghề cho 2.222 lao động. Đối với 72 thôn nghèo của các huyện cũng đã được đầu tư 300 triệu đồng để hỗ trợ sản xuất, quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ đời sống.
Ngoài nguồn vốn 30a của Chính phủ, của ngân sách tỉnh, huyện, các hộ nghèo thuộc các xã của chương trình 30a thuộc xã, thôn đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ đầu tư từ các chương trình mục tiêu khác như: Hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn không lãi theo Quyết định 32-CP; được vay vốn đầu tư cho sản xuất, cho trồng rừng mua máy móc, công cụ. Hộ nghèo thuộc xã thôn đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ cho cải thiện vệ sinh môi trường, được hỗ trợ 100.000đồng/khẩu/năm theo Quyết định 102 của Chính phủ; được hỗ trợ tiền cho học sinh con hộ nghèo đi học: mẫu giáo 70.000đ/tháng/cháu, học sinh phổ thông 140.000đ/tháng/em (hưởng 9 tháng/năm); được hỗ trợ đầu tư sản xuất từ nguồn vốn 135 mỗi xã 300 triệu đồng, mỗi thôn từ 30-50 triệu đồng/năm. Hộ nghèo khi có nhu cầu chuyển đổi giống cây trồng được hỗ trợ trợ giá giống theo chương trình hàng chính sách miền núi. Con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học đại học, cao đẳng được hỗ trợ 100.000đ/em/tháng (được hưởng 10 tháng) và tiền xe đi và về 2 lần trong năm từ trường về địa phương (ngân sách tỉnh).
Đồng chí Võ Thuận – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Nhiều hộ gia đình được hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu đã thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế giỏi. Nhiều hộ gia đình nghèo bao nhiêu năm không làm được nhà ở hoặc phải sống trong những căn nhà tạm bợ thì nay đã được đón tết, vui xuân trong căn nhà mới, khang trang, chắc chắn. 90% thôn, buôn vùng sâu, vùng xa đã có điện lưới quốc gia. Các xã đều có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, các thôn buôn đều có y tế thôn bản, bảo đảm khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe kịp thời cho bà con. Trường lớp được đầu tư kiên cố, hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào DTTS có điều kiện học tập, vui chơi, nâng cao dân trí. Cái đói, cái nghèo đã bớt đi nhiều, bà con ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 30a thực hiện đến năm 2020, vì vậy phải quan tâm đến tính bền vững của các dự án, tránh tình trạng dân chưa xóa được nghèo mà dự án đã hết tác dụng. Cần tăng cường công tác truyền thông, thông tin chủ trương, chính sách kịp thời đến tận hộ dân để bà con được biết, được bàn, được tham gia và được hưởng lợi. Có giải pháp lồng ghép tốt các chương trình mục tiêu đầu tư trên một địa bàn, thôn, xã để tập trung việc vận dụng nguồn lực, tạo điều kiện cho các hộ, thôn, xã xóa nghèo nhanh và bền vững.