Ngày 1/6, tại TP Đà Lạt đã diễn ra Hội thảo báo chí các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên với chủ đề “Phát huy vai trò báo chí địa phương trong phản biện xã hội”.
Đến dự có đồng chí Phạm Quốc Toàn – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đồng chí Trần Đức Quận – UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng và đông đảo phóng viên, nhà báo 10 tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Trường Ban Tuyên giáo tỉnh Lâm Đồng (thứ 5 từ bìa phải) chụp hình lưu niệm với lãnh đạo Hội nhà báo các tỉnh |
Đại diện hội nhà báo Khánh Hòa trong bài tham luận đã khẳng định vị trí của báo chí địa phương: Các tờ báo địa phương gần đây đã mạnh dạn và quyết liệt đổi mới nhằm nâng cao chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức và đang từng bước đến gần hơn với bạn đọc. Với ưu điểm là gần gũi, hiểu sâu và rộng về những vấn đề của địa phương nên báo chí địa phương là kênh phản ánh trung thực, đầy đủ mọi vấn đề của người dân địa phương đến với các cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, song song đó bài tham luận cũng đặt ra vấn đề, cần phải có cơ chế rõ ràng và một hành lang pháp lý để báo chí thực hiện vai trò phản biện của mình một cách tốt nhất.
Với lập luận, đạo đức nhà báo là cốt lõi để xây dựng một nền báo chí cách mạng. Đại diện Hội nhà báo Phú Yên trong tham luận về chủ đề này đi sâu vào phân tích về đạo đức và bản lĩnh của nhà báo khi tham gia phản biện xã hội. Trong đó, đề cập đến trách nhiệm xã hội của nhà báo khi thể hiện các tác phẩm báo chí trong đó nhấn mạnh: Nhà báo phải luôn đặt lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia lên hàng đầu.
Bài tham luận của Hội Nhà báo tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông cho rằng, phản biện không phải lúc nào cũng là sự phản bác, sự phủ định toàn bộ, chính vì thế mà các cơ quan báo chí, các nhà báo tham gia phản biện cần thể hiện rõ tính đảng, tính nhân dân, tính khoa học và tính chiến đấu trong tác phẩm.
Có thể nói, báo chí địa phương trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vấn đề về đạo đức và bản lĩnh của các nhà báo địa phương cũng là vấn đề được hội thảo quan tâm và thẳng thắn nhìn nhận. Đồng chí Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam đánh giá: Công tác phản biện của báo chí địa phương thời gian qua có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa thật sự mạnh. Ngoài những hạn chế về cơ chế, thì năng lực và bản lĩnh của các nhà báo cũng là một trong những nguyên nhân.
Phản biện xã hội là nhiệm vụ chính trị không thể thiếu của hoạt động báo chí và là nhu cầu tất yếu của xã hội, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng một xã hội công bằng – dân chủ và văn minh, chính vì vậy để tổ chức tốt hoạt động phản biện trên báo chí, ngoài nâng cao trách nhiệm của các tờ báo, bồi dưỡng “cái tâm, cái tầm” cho những người làm báo thì các cơ quan nhà nước cũng cần phải tạo điều kiện, phải biết lắng nghe để lĩnh hội những ý kiến phản biện của báo chí và đặc biệt, nhà nước cần sớm tạo ra những văn bản qui phạm pháp luật để báo chí thực hiện tốt vai trò phản biện.