Trong 2 ngày (3 và 4/6), hội thảo, tọa đàm khoa học kỷ niệm 100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước diễn ra tại Trường Chính trị Lâm Đồng và Trường CĐSP Đà Lạt.
Trong 2 buổi hội thảo, tọa đàm sôi nổi, các tác giả đã tập trung phân tích, cắt nghĩa và khẳng định những nội dung có ý nghĩa lớn cả về lý luận lẫn thực tiễn. Đó là: Những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành; Hành trình tìm đường cứu nước và những chuyển biến trong nhận thức về con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc; Vai trò quan trọng, quyết định của Hồ Chí Minh trước những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam; Những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản thế giới; Hồ Chí Minh với thắng lợi vĩ đại của đất nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.
Hội thảo tại Trường CĐSP Đà Lạt |
Trước hết, quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành không phải là sự ngẫu nhiên, may mắn hay tình cờ mà là sự lựa chọn mang tính tất yếu lịch sử. Sự lựa chọn đó được chứng minh bằng tư tưởng, sự trải nghiệm, lao động, học tập và chiến đấu với trí tuệ và tầm vóc thời đại. Sự lựa chọn này còn là kết quả tổng hợp của một quá trình phân tích, lý giải khoa học những nhân tố thuận - nghịch của bối cảnh trong nước và thế giới tác động đến cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
ThS Nguyễn Văn Hương lý giải sự kiện ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành ở cả 2 khía cạnh, khách quan và chủ quan. Về khách quan, đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về đấu tranh kiên cường và bất khuất, tự lực, tự cường, thông minh, sáng tạo; sự tiếp thu, kế thừa có chọn lọc, không ngừng phát triển tinh hoa văn hóa nhân loại và sống, chứng kiến nỗi đau khổ, sự tủi nhục của người dân mất nước ở Nguyễn Tất Thành. Nhân tố chủ quan, đó là yếu tố tự ý thức về mình như một người công dân có trách nhiệm với vận mệnh của Tổ quốc, của dân tộc ở Nguyễn Tất Thành. “Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước là sự kiện có tính quyết định đến con đường cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Chính nhờ vốn tư chất thông minh, linh khiếu chính trị sắc sảo với chí lớn tìm đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh không đi theo con đường mòn của các bậc tiền bối” (Những nhân tố thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước và trở về giải phóng đất nước-Nguyễn Văn Hương).
Nhận thức sự kiện ngày 05/6/1911-ngày lên tàu Đô đốc Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành, PGS, TS Nguyễn Mộng Sinh cho rằng: “Có thể coi đây là mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời của Nguyễn Tất Thành, khi anh tự khẳng định mình là một con người giàu ý chí nghị lực, dám đương đầu với khó khăn trở ngại, một con người ham học, khao khát tri thức, quyết tâm truy tìm chân lý, lẽ phải, theo đuổi mục đích lý tưởng của mình bằng con đường mình đã chọn. Đó là hành trang cơ bản nhất, quý báu nhất, không thể thiếu được của con người bước vào đời” (Con đường tìm chân lý).
Trong tham luận “Quá trình nhận thực biện chứng về con đường giải phóng của Nguyễn Ái Quốc”, sau khi phân tích sự kiện, tác giả Lê Sỹ Tiệp đưa ra những nhận định: Đây là cách tư duy độc lập, sáng tạo và rất biện chứng của Người ngay từ buổi đầu của quá trình tìm đường để giải phóng dân tộc; là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong cách tư duy của Nguyễn Tất Thành với Mác - Anghen - Lênin. Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin như một cuộc hẹn hò lịch sử. Hồ Chí Minh cảm nhận và tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê nin, từ đó Người vụt lớn lên ngang tầm lịch sử…
Các tác giả đã dựa vào những cứ liệu lịch sử để phân tích và khẳng định những giá trị khoa học, giá trị thực tiễn và ý nghĩa của sự kiện Người ra đi tìm đường cứu nước đối với cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới. Sự kiện lịch sử này vừa là mốc kết thúc một quá trình tổng hợp những yếu tố chủ quan và khách quan của bối cảnh lịch sử, vừa là bước khởi đầu hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi đầu thế kỷ XX.
Với tham luận “Tầm nhìn mang tính thời đại của Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm đường cứu nước”, ThS Đặng Thị Quỳnh khẳng định những phát hiện mới của Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước là ở chỗ: Giải phóng thuộc địa phải bằng con đường cách mạng vô sản; Cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới và có khả năng giành được thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc; Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên Xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Các tham luận cũng đã nêu và phân tích những sáng tạo lớn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong việc vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam để tạo nên con đường cứu nước Hồ Chí Minh. Người đã phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ thâm nhập mà còn có sức sống mãnh liệt trong thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã ghi nhận những đóng góp đầy sáng tạo của Hồ Chí Minh.
Rất nhiều lát cắt nghiên cứu về quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh được phân tích sâu sắc: “Sự gặp gỡ lịch sử giữa Nguyễn Ái Quốc với bản sơ thảo “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin”; “Ý nghĩa sự kiện bản Yêu sách của nhân dân an nam gởi đến hội nghị Versailles với quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc”; “Gặp “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin - Bước nhận thức mới trong hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh”; “Liên minh công nông một chiến lược Cách mạng trong hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”;…
“Tư tưởng tiến bộ và tấm gương hoạt động cách mạng của Người cho ta một bài học lịch sử mang tính quy luật đó là: nếu lợi ích dân tộc thống nhất với lợi ích con người và giải quyết một cách đúng đắn thì sự nghiệp cách mạng nhất định sẽ có được động lực to lớn, mạnh mẽ, nhất định vượt qua những thác ghềnh, đi tới thành công!” (Tầm vóc của yếu tố dân tộc mới trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc- đại tá Nguyễn Trường Sơn)
Qua 2 buổi hội thảo và tọa đàm khoa học, thế hệ hôm nay càng nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đạo đức tư tưởng của Người. Rất nhiều tham luận đã đúc rút được những bài học quý trong thực tiễn sinh động và phong phú hiện nay. Đó là vấn đề đạo đức Cách mạng của cán bộ, đảng viên; đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ; ý chí và phương pháp dạy và học…
Sự kiện lịch sử sau một thế kỷ Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước càng có ý nghĩa và tầm vóc lớn lao của nó. Sự kiện này mãi mãi được ghi nhận và phát huy trong suốt hành trình cứu nước của Người trước đây và trên con đường đổi mới đất nước hiện nay.