Học tập, làm theo phương pháp tư duy và phong cách báo chí của Bác Hồ

03:06, 19/06/2011

Tháng 6 - 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tổ chức đầu tiên của cách mạng Việt Nam và sáng lập, khai sinh Báo Thanh Niên.

Tháng 6 – 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tổ chức đầu tiên của cách mạng Việt Nam và sáng lập, khai sinh Báo Thanh Niên. Là ngọn cờ tư tưởng của báo chí cách mạng, Báo Thanh Niên ra đời không chỉ đưa ánh sáng chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam mà còn góp phần chuẩn bị về tư tưởng, lý luận và tổ chức để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam…
 
Lãnh đạo tỉnh đón nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam".
Lãnh đạo tỉnh đón nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam".

Kể từ ngày 21 – 6 – 1925, báo Thanh Niên phát hành số đầu tiên, ghi dấu bước ngoặt mới về sự ra đời của nền báo chí cách mạng, mốc son khởi đầu trong tiến trình lịch sử thực hiện quyền dân chủ của nhân dân Việt Nam; trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí.  Đây là một quyền cơ bản của công dân, của một dân tộc. Tôn trọng và phát triển quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí là thể hiện quyền dân chủ, nền dân chủ, văn minh của một quốc gia – dân tộc… Trải qua 86 năm song hành cùng với những nhiệm vụ trọng đại của quốc gia - dân tộc, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của Đảng và trực tiếp của Bác Hồ - Người thầy báo chí vĩ đại… nền báo chí cách mạng nước nhà kế tục truyền thống vẻ vang, luôn thể hiện là vũ khí tư tưởng sắc bén trên các mặt trận đấu tranh thống nhất đất nước, giành độc lập tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Báo chí ngày càng có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt khi đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì sự tham gia và tham gia tích cực của đội ngũ báo chí là quan trọng. Có thể khẳng định, thời kỳ đổi mới đất nước là thời kỳ báo chí nước nhà có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, cả về đội ngũ, cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động. Báo chí không chỉ là cơ quan ngôn luận của tổ chức, đoàn thể… mà còn là diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng lợi ích chính đáng của nhân dân; là tiếng nói của nhân dân. Báo chí là cầu nối liền giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là bạn đồng hành của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Khi các nhà báo vào cuộc
Khi các nhà báo vào cuộc

Trải qua 34 năm kế thừa truyền thống báo chí Cách mạng Việt Nam và dưới sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền Lâm Đồng, các loại hình báo chí ở tỉnh nhà đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và từng bước nỗ lực vươn lên, phát triển không ngừng cả về số lượng cũng như chất lượng thông tin tuyên truyền. Báo Lâm Đồng hiện xuất bản 4 kỳ/tuần, trong đó số Cuối tuần xuất bản 38 số bộ mới đã tạo được thiện cảm với bạn đọc gần xa; báo điện tử kịp thời thông tin, quảng bá hình ảnh Đà Lạt – Lâm Đồng tới mọi miền trong nước và thế giới; 6 năm qua tờ “Tin - ảnh Dân tộc – Miền núi Lâm Đồng” phát hành đáp ứng nhu cầu thông tin của hệ thống chính trị cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng tăng thời lượng phát sóng và đã có tỷ lệ phủ sóng cao tới các vùng miền của địa phương, ngoại tỉnh… Ngoài ra, những năm gần đây, các bản tin, tạp chí của các sở, ngành xuất hiện đã góp phần tăng cường đưa thông tin về cơ sở. Báo chí tỉnh nhà đã bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng và nhiệm vụ chính trị được giao phó, thực sự là “người tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể phong trào cách mạng của quần chúng” như lời lãnh tụ Lê nin từng dạy.
       
Là người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam, Bác Hồ luôn đặt vấn đề “viết cho ai?”, “viết cái gì?”, “viết để làm gì?” và “viết như thế nào?” để định hướng nội dung, phương thức, sáng tạo các tác phẩm báo chí và xây dựng những tờ báo cách mạng. Bác từng dạy: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”. Và Người quan niệm: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Để nâng cao hiệu quả, sức thuyết phục của báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến tính trung thực, coi đó như một tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết chớ nói, chớ viết càn”. Bác còn nhắc nhở: “Không nên chỉ nói tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại… phê bình phải phê bình một cách “thật thà, chân thành, đúng đắn…”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng cho đến ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị, là cẩm nang cho báo giới nước ta rèn luyện “giữ vững ngòi bút”, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất nghề nghiệp, đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, phản ánh, cổ vũ, tuyên truyền, động viên nhân dân tích cực, hăng say xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, người làm báo phải coi trọng xây dựng lập trường chính trị vững vàng vì đây là tiêu chuẩn, yêu cầu đầu tiên đối với nhà báo cách mạng. Là nhà báo chân chính phải lựa chọn, xử lý thông tin nhanh chóng, trung thực, chính xác, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của công chúng, đúng định hướng chính trị của Đảng, tác động tích cực, có hiệu quả đến tiến bộ xã hội. Trong bất luận hoàn cảnh nào, nhà báo không thể đem đến cho công chúng những bài viết, hình ảnh chứa đựng những thông tin sai lạc, phản ánh sai bản chất sự kiện, gây hoang mang, chán nản hoặc làm rối thêm tình hình nội bộ ở địa phương, đơn vị… Bác từng dạy “cái đích cuối cùng của việc tuyên truyền là “làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin, dân làm theo”. Hoạt động báo chí là một lĩnh vực đặc biệt, đòi hỏi tầm trí tuệ cao, hiểu biết rộng, kinh nghiệm cuộc sống phong phú và nhiều năng lực nghề nghiệp. Tác phẩm báo chí phải chứa đựng hàm lượng chất xám và nhiệt huyết cao của người viết. Vì vậy, mỗi người làm báo phải tự học, tự nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của báo chí hiện đại.
 
Xử lý tin, bài của phóng viên Báo Lâm Đồng điện tử
Xử lý tin, bài của phóng viên Báo Lâm Đồng điện tử
 
Báo chí, kênh thông tinh không thể thiếu trong đời sống xã hội
Báo chí, kênh thông tinh không thể thiếu trong đời sống xã hội

Đối với báo chí Lâm Đồng, thời gian qua đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh nhà trong từng giai đoạn cụ thể để truyên truyền có hiệu quả những vấn đề cuộc sống đặt ra. Đó là công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; chương trình “đột phá, tăng tốc; thoát khỏi tình trạng chậm phát triển”; cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư; “Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm; phát triển kinh tế bền vững”; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Bên cạnh phát hiện và nhân rộng các mô hình, điển hình, người tốt việc tốt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giữ vững trật tự xã hội, an ninh – quốc phòng, tạo sự đồng thuận trong xã hội, báo chí cũng tập trung phản ánh đúng mức những hiện tượng quan liêu, cửa quyền, tham nhũng và những vấn đề bất cập trong công tác quản lý… Có thể nói, báo chí Lâm Đồng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình “đột phá, tăng tốc”, tăng trưởng kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2006 – 2010) đã đề ra…

Kỷ niệm 86 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam cũng là dịp chúng ta vừa kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vậy với báo giới việc học tập và làm theo cần được thể hiện như thế nào? Thiết nghĩ các nhà báo cần học tập, làm theo phương pháp tư duy và phong cách báo chí của Người; ra sức tu dưỡng, “rèn tâm trong sáng, rèn bút sắc bén”, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trước xã hội, trước nhân dân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh!
 
NGUYỄN THANH