Phản biện xã hội - một nhiệm vụ tất yếu của báo chí cách mạng

03:06, 22/06/2011

Gần 9 thập kỷ qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành với những nhiệm vụ chính trị trọng yếu của đất nước, dân tộc, nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước; trong sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

…Gần 9 thập kỷ qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành với những nhiệm vụ chính trị trọng yếu của đất nước, dân tộc, nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước; trong sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Báo chí cách mạng ở nước ta luôn là tiếng nói của Đảng, các tổ chức chính trị xã hội, là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân.
 
Đ/c Nguyễn Xuân Tiến - UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa cho Hội Nhà báo tỉnh nhân ngày 21/6. Ảnh: Thuỵ Trang
Đ/c Nguyễn Xuân Tiến - UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa cho Hội Nhà báo tỉnh nhân ngày 21/6.  Ảnh: Thuỵ Trang

Một trong những nhiệm vụ đặc trưng của báo chí là phải phát hiện, phản ánh kịp thời các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các mô hình tốt, đạt hiệu quả cao trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kịp thời đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những âm mưu, thủ đoạn và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Đặc trưng của báo chí là phát hiện cái mới. Cái mới nảy sinh thường hàm chứa hai mặt của một vấn đề: có thể là tích cực và có thể là tiêu cực, bên cạnh cái tích cực cũng bộ lộ những hạn chế mà cần được điều chỉnh trong thực tiễn cuộc sống. Chức năng của báo chí là người định hướng dư luận, “hướng đạo” xã hội. Chính vì vậy, vai trò phản biện xã hội của báo chí ngày càng được độc giả đòi hỏi và yêu cầu cao. 
            
Phản biện xã hội là sự phản biện nói chung, nhưng có quy mô và lực lượng rộng rãi hơn của xã hội, của nhân dân và các nhà khoa học về nội dung, phương hướng, chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khoa học – công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước và các tổ chức liên quan. Phản biện xã hội không phải là một khái niệm mới mà ngay từ thời phong kiến, các bậc vua chúa luôn có một đội ngũ “gián quan” để bàn bạc, thảo luận những quyết sách của triều đình là đúng hay sai, hợp lòng dân hay không? Phản biện xã hội do Đảng ta đề ra là nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, góp ý với cán bộ công chức và các cơ quan nhà nước. Phản biện xã hội là nhu cầu cấp thiết, là đòi hỏi bắt buộc của quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước, khắc phục tệ quan liêu, bất cập trong đời sống… Phản biện xã hội vừa là một nhu cầu khách quan của công việc lãnh đạo xã hội, vừa là một hiện thực tất yếu luôn tồn tại trong đời sống chính trị. Nghị quyết Đại hội X và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước, nhất là về các chính sách kinh tế, xã hội, về quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển quan trọng…”. Khi thực hiện phản biện xã hội, người ta đưa ra các lập luận, nhằm phát hiện, chứng minh, khẳng định, bổ sung hoặc bác bỏ một phương án, dự án đã được hình thành và công bố. Chủ thể phản biện xã hội phải dựa trên những bức xúc vì lợi ích chân chính hợp pháp của đại đa số quần chúng nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về chất lượng phản biện của mình. Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, là diễn đàn và cầu nối giữa Đảng và nhân dân, cùng với chức năng thông tin – phản ánh, các cơ quan báo Đảng địa phương cần xác định phản biện xã hội là một nhiệm vụ chính trị không thể thiếu trong hoạt động báo chí ở địa phương.
         
  Làm gì để nâng cao chất lượng phản biện xã hội của báo chí? Qua thực tế xin tham kiến mấy vấn đề sau:   
    
  1, Nhà báo, cơ quan báo chí – Người phản biện xã hội qua các tác phẩm báo chí cần quán triệt và nắm vững quan điểm, Nghị quyết, chủ trương của Đảng và đường lối, chính sách của Nhà nước. Chúng ta phải tường tận hoàn cảnh lịch sử, ý nghĩa, vai trò của từng vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh mà Đảng, Nhà nước đề ra thì mới thông tin một cách trung thực, định hướng được sự vận động, phát triển của vấn đề.
        
2, Người phản biện phải hoà mình vào thực tế cuộc sống của nhân dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng các tầng lớp trong xã hội. Từ lý luận soi rọi vào thực tiễn để phát hiện các chủ trương, đường lối, chính sách có mang tính hiện thực hay không trên cơ sở viện dẫn chứng so sánh, đối chiếu? Kinh nghiệm cho thấy thông qua báo chí phản ánh nêu vấn đề, những mặt bất cập của các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chưa mang lại hiệu quả cao nên gần đây tỉnh Lâm Đồng đã dừng chủ trương thu hút đầu tư vào rừng, kiên quyết thu hồi giấy phép của các nhà đầu tư “trùm mền”, thiếu thiện chí, sang nhượng giấy phép hay các dự án đầu tư nhỏ lẻ.   
       
3, Nhằm tạo tính đồng thuận, hiệu ứng cao trong đời sống xã hội, người phản biện phải biết tổ chức lấy ý kiến, tâm tư của nhiều tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể, các tầng lớp nhân dân một cách khách quan về vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm. Đặc biệt là phản biện xã hội đối với các vấn đề liên quan đến tư pháp, toà án, khiếu kiện, tranh chấp dân sự. Trong những trường hợp này, người phản biện phải có sự am hiểu về pháp luật, kiến thức toàn diện và đáng lưu ý là cần nhìn nhận vấn đề một cách có tình, có lý.
    
  4, Khi phản biện, chúng ta cũng không nên nặng về lý luận mà phải biết đặt vấn đề, đưa ra các luận cứ, luận chứng và gút lại vấn đề bằng văn phong giản dị, dễ hiểu; cần tránh câu chữ cầu kỳ, khó hiểu. Đặc biệt tính chính trị, khoa học và văn hoá trong phản biện xã hội phải được đề cao; khắc phục tình trạng nêu và lý giải vấn đề một cách mập mờ, chính kiến không rõ ràng hoặc kết luận vấn đề một cách phiến diện.
     
5, Phải tận dụng ưu thế, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thể tài báo chí nhằm đa dạng hoá hình thức thể hiện và tính thuyết phục, sức hấp dẫn đối với người đọc.
      
6, Nhà báo và cơ quan báo chí được Đảng, Nhà nước giao trọng trách là người phản biện xã hội, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật nói chung và Luật Báo chí nói riêng do vậy vấn đề cuối cùng là các cấp, các ngành chức năng phải chia sẻ đầy đủ thông tin với báo chí; tránh tình trạng dè dặt trong tiếp xúc, úp mở thông tin khiến nhà báo dễ sa vào tình trạng “thấy cây mà không thấy rừng”, “thấy giọt nước mà không nhìn ra biển cả”.

NGUYỄN THANH