Những bước đi có tính toán, có hệ thống của Trung Quốc trên Biển Đông

09:06, 12/06/2011

Chỉ ít ngày sau vụ tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại lô 148 thuộc thềm lục địa của Việt Nam, ngày 9-6-2011, Trung Quốc lại tiến thêm một bước đi có tính toán, có hệ thống nhằm phức tạp hoá vấn đề Biển Đông để phục vụ các mưu đồ của họ.

Chỉ ít ngày sau vụ tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại lô 148 thuộc thềm lục địa của Việt Nam, ngày 9-6-2011, Trung Quốc lại tiến thêm một bước đi có tính toán, có hệ thống nhằm phức tạp hoá vấn đề Biển Đông để phục vụ các mưu đồ của họ.

Tại cuộc họp báo chiều ngày 9/6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết:

Tàu thăm dò Viking II do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê. (Ảnh: PetroTimes)
Tàu thăm dò Viking II do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê. (Ảnh: PetroTimes)
'Vào lúc 6 giờ ngày 9-6-2011, trong khi tàu Viking II do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D lô 136/03 (tọa độ 60 47,5' Bắc và 1090 17,5' Ðông) tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, thì tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 62226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 đã chạy ngang qua mũi tàu Viking II sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ. Mặc dù phía Việt Nam đã phát pháo hiệu cảnh báo nhưng tàu 62226 vẫn cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II và bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu 62226 đã mắc vào tuyến cáp của tàu Viking II, làm cho tàu Viking II không thể hoạt động bình thường. Tiếp đó, hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng với nhiều tàu cá khác của Trung Quốc đã vào giải cứu cho tàu 62226.

Khu vực hoạt động thu nổ địa chấn nói trên của tàu Viking II nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Hành động nói trên của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), đi ngược lại nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Ðông, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ðáng chú ý là vụ việc nói trên xảy ra ngay sau vụ tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại lô 148 thuộc thềm lục địa của Việt Nam ngày 26-5 vừa qua, làm cho tình hình Biển Ðông tiếp tục căng thẳng. Các hành động có tính hệ thống này của phía Trung Quốc là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, thực hiện mục tiêu biến yêu sách 'đường chín đoạn' của Trung Quốc thành hiện thực. Ðây là điều phía Việt Nam không thể chấp nhận”.

Trước sự thật mười mươi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn cố tình bóp méo sự việc, trắng trợn đổ lỗi cho Việt Nam: "Cách nói của Việt Nam hoàn toàn không phù hợp với sự thực. Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi với quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận (…). Yêu cầu Việt Nam dừng ngay mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, không áp dụng thêm các hành động làm nguy hại an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân Trung Quốc, không áp dụng thêm hoạt động phức tạp và mở rộng tranh chấp. Hy vọng Việt Nam sẽ có các nỗ lực cần thiết để duy trì hoà bình ổn định của Biển Đông".

Tuyên bố trên đây hoàn toàn sai sự thật, nhưng lại có thể làm nhân dân Trung Quốc và dư luận quốc tế hiểu nhầm Việt Nam, hiểu nhầm về những gì đang diễn ra trên Biển Đông những ngày vừa qua.

 

Lập trường của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông gồm 4 điểm:

1 - Việt Nam được quyền có thềm lục địa và đặc quyền kinh tế riêng từ đất liền Việt Nam không có tranh chấp, tách biệt với các vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;

2 - Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam;

3 - Vùng biển của các đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xác định theo Công ước luật biển năm 1982, cụ thể theo điều 121.3. Các đảo thuộc hai quần đảo này nếu có thềm lục địa và đặc quyền kinh tế thì cũng là những vùng biển hạn chế không thể có đầy đủ hiệu lực trong phân định như từ lãnh thổ đất liền, phù hợp nguyên tắc "đất thống trị biển";

4 - Trong khi tìm kiếm một giải pháp cơ bản lâu dài, các bên tranh chấp ở Biển Đông cần kiềm chế, không mở rộng chiếm đóng mới, không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, hợp tác trong những lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển, phòng chống cướp biển theo đúng tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC 2002.

 

Thực chất là, Trung Quốc đang cố gắng phức tạp hoá vấn đề Biển Đông để phục vụ các mưu đồ của họ. Chính tờ Trung Quốc nhật báo (China Daily) ngày 8/6/2011 đã không ngại ngùng bộc lộ. Tranh chấp Biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa) có ý nghĩa chiến lược quan trọng với Trung Quốc bởi hai lý do: Thứ nhất, Trung Quốc là nước lớn nhưng chưa phải là một siêu cường biển. Mặc dù có thềm lục địa và đặc quyền kinh tế rộng, bờ biển đất liền và đảo dài nhưng phần đóng góp của biển với GDP còn nhỏ. Chỉ với một số ít các đảo đang tranh chấp nằm dưới sự kiểm soát của mình, Trung Quốc không có đường để nối biển với đại dương. Thứ hai, không có một lực lương hải quân mạnh và sự chú trọng các quyền lợi biển, Trung Quốc vẫn ở vị thế không thuận lợi. Muốn trở thành một siêu cường có ảnh hưởng, Trung Quốc buộc phải chuyển từ "cường quốc đất liền" sang "siêu cường biển". Tranh chấp Biển Đông là phép thử thực tế cho việc đạt được mục tiêu đó. Để thực hiện mưu đồ trên, không gì tốt hơn phương thức biến cái của người khác thành của mình, biến vùng biển không tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp, đòi chia sẻ tài nguyên và quyền kiểm soát biển trên vùng biển của nước khác dưới chiêu thức "gác tranh chấp cùng khai thác".

Sự kiện trên đây cùng với nhiều sự kiện nghiêm trọng khác do phía Trung Quốc chủ ý gây ra, một lần nữa khẳng định mưu toan của Trung Quốc biến cái không thể thành có thể, biến các khu vực không tranh chấp thành các khu vực tranh chấp để đòi hỏi được chia phần tài nguyên trên thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng yếu thế thông qua công thức "gác tranh chấp cùng khai thác" là hoàn toàn có thực.

Trong khi tích cực tranh thủ các diễn đàn quốc tế để khẳng định “yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng cùng các bên đàm phán” thì trong việc làm, Trung Quốc đang thể hiện điều ngược lại. Sau sự kiện cho các lực lượng đội lốt dân sự trên các tầu hải giám cắt cáp, phá hoại họat động bình thường của tàu Bình Minh 02 trên thềm lục địa Việt Nam, sự kiện quấy rối cắt cáp, phá chân vịt tàu khảo sát địa chấn Viking 02 của tại lô 136 thềm lục địa phía Nam, chỉ cách đường cơ sở Việt Nam gần 100 hải lý, một lần nữa cho thấy những bước đi có tính toán, có hệ thống của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trung Quốc không có quyền cản trở các hoạt động của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - một dân tộc yêu hòa bình, hết sức kiềm chế và chưa bao giờ khuất phục trước cường quyền. Dư luận thế giới trong thời kỳ hội nhập không thể đồng tình với bất kỳ hành động nào lợi dụng vị thế cường quốc gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia khác. Cộng đồng ASEAN đang buộc phải cảnh giác.

Phát biểu tại Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN diễn ra tại Surabaya, Inđônêxia từ ngày 7 đến 10/6, Trưởng đoàn Việt Nam, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã nhấn mạnh: Hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm và lợi ích chung của tất cả các nước; khu vực và tất cả các nước cần phải tiếp tục nỗ lực và chung sức vì những mục tiêu này.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chỉ có lòng tin và nỗ lực giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình mới là chìa khóa để giải quyết các vấn đề Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với xu thế chung của thế giới ngày nay là hòa bình, hợp tác và phát triển./.

 

Theo Tấn Vũ (Đảng Cộng sản Việt Nam)