Trách nhiệm của người làm báo

04:06, 16/06/2011

Nhân dịp kỷ niệm ngày ra số báo đầu tiên của Đảng, đến hôm nay đã trở thành "Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam", chúng ta cùng nhau ôn lại những lời dạy của Bác Hồ về trách nhiệm của những người cầm bút, trong sự nghiệp xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước.

Sau 14 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 5/1925 Bác Hồ lúc đó vừa tròn 35 tuổi, mang tên Nguyễn Ái Quốc, trở về Quảng Châu (Trung Quốc) thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Ngày 21/6/1925 báo Thanh niên số đầu tiên ra đời. Báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo - Báo có chủ trương tuyên truyền đường lối cách mạng, chuẩn bị tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Đ/c Huỳnh Phong Tranh - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao đổi công tác báo chí với các nhà báo tại Hội Báo xuân 2011.
Đ/c Huỳnh Phong Tranh - UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao đổi công tác báo chí với các nhà báo tại Hội Báo xuân 2011.

Nhân dịp kỷ niệm ngày ra số báo đầu tiên của Đảng, đến hôm nay đã trở thành "Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam", chúng ta cùng nhau ôn lại những lời dạy của Bác Hồ về trách nhiệm của những người cầm bút, trong sự nghiệp xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước.

Về vai trò, trách nhiệm của người cầm bút, Bác chỉ rõ: "Cán bộ báo chí cũng là người chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần tu dưỡng đạo đức cách mạng. Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ, văn hóa. Chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, của Chính phủ. Đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động".

Tháng 8/1962, trong Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ ba, Bác đã căn dặn các nhà báo "Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo thì phải tự đặt câu hỏi. Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, tự cho bài mình là tuyệt rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn, nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta".

Theo Bác Hồ, đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Vì thế, các nhà báo phải viết đơn giản, dễ hiểu. Ngôn ngữ trong bài viết phải trong sáng. Nếu để phục vụ nhân dân thì phải chọn cái gì có lợi cho dân, giúp dân tiến bộ. Viết phục vụ nhân dân cũng là viết để phục vụ cách mạng, vì mục đích của cách mạng là "vì dân". Mặt khác, người làm báo phải tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, học tập nhân dân thì viết phục vụ nhân dân mới có hiệu quả.

Về đạo đức của người làm báo, Bác Hồ coi "trung thực" là một tiêu chuẩn rất quan trọng trong hoạt động nghề báo. Bác nói "không biết rõ, chớ nói, chớ viết", Bác yêu cầu các nhà báo phải có thái độ trung thực trong việc phê bình khen, chê "không nên chỉ viết cái tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải thật thà, chân thành, đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại". Và đòi hỏi nhà báo trong mọi trường hợp "khen cũng như chê đều phải với động cơ trong sáng, khách quan, không vì mục đích vụ lợi, cá nhân ích kỷ. Đó là nguyên tắc về đạo đức báo chí".

Về văn phong của người làm báo, đồng chí Trường Chinh đã căn dặn: "Chúng ta phải biết trau dồi văn phong cho tốt đẹp và đúng đắn. Nghề báo chính là nghề văn, một nghề gian khổ mà cao quý. Phải có văn mới tuyên truyền chủ nghĩa của Đảng được. Vì ta, vì Đảng, vì sự nghiệp của nhân dân, mà nâng cao câu văn của chính mình. Văn bao gồm hai tố chất: Tính khoa học cao độ kết hợp với nhiệt tình tràn đầy. Hãy hòa mình vào tình cảm lớn lao của quần chúng, làm cho tình cảm đó nhiễm vào ngòi bút của mình, tìm trong cuộc sống những đề tài sinh động. Phải biết bắt mạch phong trào quần chúng. Hãy thở hơi thở của quần chúng. Hãy nghe tiếng nói của quần chúng. Không vì danh hão của cá nhân nhưng không có dũng khí cá nhân thì không có văn và không có phong cách".

(Trích bài phát biểu của đồng chí Trường Chinh tại Đại hội II, Hội những người viết Báo Việt Nam tháng 4/1959).

Những người làm báo Việt Nam hôm nay càng trân trọng học tập những lời dạy tâm huyết của Bác Hồ về đạo đức và phong cách của người cầm bút hoạt động trong ngành báo chí, về lời căn dặn của đồng chí Trường Chinh về văn phong của một nhà báo cách mạng, kế thừa và phát huy truyền thống của các chiến sĩ làm báo cách mạng Việt Nam trong 86 năm qua, quyết tâm làm tốt sứ mệnh cao cả của một chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần vào sự củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa, là một động lực vững vàng thúc đẩy sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

TRẦN ĐÌNH THÂN