Cải cách hành chính để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội

02:07, 19/07/2011

Đến nay các tỉnh, thành trong nước đã chủ động ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để thực thi phương án đơn giản hóa 3.636 TTHC.

Đó là chỉ đạo của Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và thực thi giai đoạn 3 của Đề án 30 tại các bộ, ngành và địa phương trong nước ngày 18/7/2011. Tham dự phía đầu cầu Lâm Đồng có ông Trương Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đông đảo đại diện lãnh đạo các sở ban ngành trong tỉnh.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, đến nay đã có 24/24 bộ, ngành tại trung ương, 62/63 tỉnh, thành trong nước thành lập phòng, hoặc bộ phận kiểm soát TTHC (chỉ trừ tỉnh Trà Vinh đến nay chưa thành lập), có khoảng 600 cán bộ công chức chuyên trách làm công tác kiểm soát TTHC  trong cả nước từ trung ương đến tỉnh cùng một đội ngũ cán bộ đầu mối kiêm nhiệm đã giúp cho công tác kiểm soát TTHC triển khai đến tận cấp xã. Các phòng hoặc bộ phận kiểm tra trên đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo của bộ, ngành, tỉnh thực hiện việc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp nhận phản ánh kiến nghị của các tổ chức cá nhân về cải cách hành chính (CCHC) .

Tại các cấp trung ương, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2011, các bộ ngành đã đơn giản hóa 3037 TTHC trên tổng số khoảng 4.800 TTHC, đạt tỷ lệ 63%. Về phía địa phương, trong khuôn khổ Đề án 30, đến nay các tỉnh thành trong nước đã chủ động ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để thực thi phương án đơn giản hóa 3.636 TTHC và các thủ tục đơn giản này đang được thực hiện tại địa phương.

Để triển khai tốt công tác kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và địa phương cần thu hút nguồn nhân lực đáp ứng cho công tác, nên chọn cán bộ có năng lực làm công tác kiểm soát TTHC, (các bộ, ngành trung ương và cấp tỉnh đều phải có 5 biên chế). Việc công bố công khai và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC các địa phương cũng cần phải chú trọng.

Nhằm đẩy mạnh công tác cải cách TTHC trong thời gian đến,Văn phòng Chính phủ đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chỉ đạo điều hành, tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa để phòng kiểm soát TTHC hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Văn phòng Chính phủ, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt công tác đánh giá tác động đối với những TTHC dự kiến ban hành theo 4 tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả; kịp thời công bố công khai và minh bạch TTHC tại 4 cấp chính quyền để phục vụ nhân dân, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận xử lý phản ánh của cá nhân, tổ chức về cơ chế chính sách và TTHC để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong phục vụ nhân dân, sửa đổi kịp thời những quy định không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, xử lý nghiêm những cán bộ công chức gây phiền hà, sách nhiễu, kịp thời biểu dương khen thưởng những cán bộ công chức tận tâm phục vụ nhân dân.

Nhân dịp này, Văn phòng Chính phủ cũng biểu dương các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đã có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền triển khai Đề án 30 và CCHC trong thời gian qua và đề nghị báo chí đồng hành cùng sự nghiệp CCHC trong thời gian đến.

Viết Trọng