Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 17 của Tỉnh ủy

04:07, 21/07/2011

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 17 của Tỉnh ủy, lãnh đạo một số ngành và địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi công tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng và phát triển của ngành, của địa phương; nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ

* Đ/c Huỳnh Phong Tranh – UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Việc đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực có chuyển biến khá tích cực

Ngày 20/7/2011, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị trực tuyến cho đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn tỉnh với nội dung sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU của Tỉnh ủy “Về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Các đồng chí: Huỳnh Phong Tranh – UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Tiến – UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Đức Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
 
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 17 của Tỉnh ủy, lãnh đạo một số ngành và địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi công tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng và phát triển của ngành, của địa phương; nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ. Quy mô giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; các ngành học, cấp học, hệ thống trường lớp được củng cố và mở rộng đã đáp ứng được nhu cầu học tập của xã hội; chất lượng, hiệu quả giáo dục ổn định; giáo dục ở địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ góp phần nâng cao dân trí cho địa phương. Các trường dạy nghề, trung tâm, cơ sở dạy nghề đều tăng về quy mô, số lượng, chất lượng đào tạo, chú trọng đến việc đào tạo nghề nông thôn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần tăng tỷ lệ người lao động qua đào tạo. Một số chế độ, chính sách về đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được ban hành giúp cho cán bộ công chức và người lao động có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, đã đẩy mạnh các chương trình hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tuyển chọn công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học trong nước và nước ngoài: Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh có 416 người được đào tạo sau đại học.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Hội trường Tỉnh ủy (số 10 – Lê Hồng Phong, TP Đà Lạt) và ở đầu cầu các huyện, thành ủy Bảo Lộc đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến làm rõ thêm tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 17; đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian đến. Kết luận Hội nghị, đồng chí Huỳnh Phong Tranh – UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: Việc đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh có chuyển biến khá tích cực, từng bước đáp ứng được yêu cầu của từng giai đoạn. Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU như: Đào tạo chưa gắn với sử dụng. Trong đào tạo chưa có sự ràng buộc chặt chẽ cũng như chưa có chính sách khuyến khích. Đội ngũ CB-CCVC thiếu tính chuyên nghiệp, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách để thực hiện đề án đào tạo, nâng cao phát triển nguồn nhân lực chưa được triển khai, từ đó làm cho Nghị quyết chưa thật sự đi vào cuộc sống; thiếu cơ chế chính sách thu hút cán bộ có chuyên môn giỏi…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực là một trong năm khâu đột phá của tỉnh, vì vậy Nghị quyết 17-NQ/TU vẫn còn hiệu lực, có giá trị thực tiễn cần tiếp tục thực hiện trong cả nhiệm kỳ 2011-2015. Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Đào tạo, bồi dưỡng CBCC phải đưa ra chỉ tiêu. Thực hiện nghiêm túc quy định của BTV Tỉnh ủy về chuẩn hóa các chức danh lãnh đạo. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nghề nhưng phải chú trọng theo tính chuyên môn hóa sâu. Không nên đào tạo dàn trải, đào tạo phải gắn với yêu cầu của người sử dụng. Đa dạng hóa các loại hình liên kết đào tạo. Thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp, đặc biệt là cơ chế chính sách để thu hút nhân tài. Chú trọng xã hội hóa công tác phát triển nguồn nhân lực dưới nhiều hình thức. Cần dành một khoản kinh phí nhất định để thành lập Quỹ hỗ trợ tài năng.

HỒ LAN