Tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ các chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh và doanh nghiệp

03:08, 14/08/2011

Đồng chí Huỳnh Đức Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Lâm Đồng về kết quả 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh uỷ  và dự kiến kế hoạch về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015.

PV: Xin đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá những nét khái quát về kết quả phát triển nguồn nhân lực của Lâm Đồng trong 3 năm qua?

CHỦ TỊCH UBND TỈNH: - Thực hiện Nghị quyết số 17 – NQ/TU của Tỉnh ủy, 3 năm qua, tỉnh tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức. và đã đạt được những kết quả nhất định:
   
Đến năm 2010, công chức ngạch chuyên viên trở lên có trình độ đại học đạt tỷ lệ 96,2%. Công chức ngạch cán sự có trình độ trung cấp trở lên đạt tỷ lệ 98,5%. Công chức hành chính có trình độ chuyên môn trên đại học đạt tỷ lệ 2,2%. 72% cán bộ, công chức sử dụng được vi tính trong công tác chuyên môn nghiệp vụ và 49,8% có trình độ B tiếng Anh trở lên.

Chủ tịch thăm hỏi và động viên Ma Hieng - Thủ khoa khối C Trường Đại học Đà Lạt, người dân tộc Churu
Chủ tịch thăm hỏi và động viên Ma Hieng - Thủ khoa khối C Trường Đại học Đà Lạt, người dân tộc Churu
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ và công chức cấp xã có đủ trình độ lý luận chính trị, chuyên môn đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức. Đặc biệt là cán bộ chủ chốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực, có trình độ chuyên môn cao đẳng trở lên. Ngoài ra, tỉnh chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, trước hết là đào tạo cán bộ dân tộc gốc Tây Nguyên để bố trí vào các cơ quan Đảng, Mặt trận, Đoàn thể, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; từng bước xây dựng lực lượng này thành cán bộ chủ chốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời tỉnh đang xây dựng kế hoạch chương trình để khen thưởng, động viên hỗ trợ các em học sinh, sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế, quốc gia, kỳ thi vào đại học và tốt nghiệp PTTH; đặc biệt quan tâm đến các học sinh, sinh viên nghèo vượt khó.

PV: Đồng chí cho biết kết quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp!

CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Đối với ngành giáo dục đào tạo: Tỉnh đã quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học từ mầm non, phổ thông đến bậc cao đẳng, dạy nghề đảm bảo về số lượng và chất lượng, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, đủ năng lực tạo ra những chuyển biến tích cực, tiến bộ về chất lượng giáo dục trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đến năm 2010, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn cao so với mặt bằng của toàn quốc: Mầm non đạt chuẩn 87% (vượt chuẩn 39%); Tiểu học đạt chuẩn là 99,8% (vượt chuẩn 69%);  THCS đạt chuẩn 99,7% (vượt chuẩn 65%); THPT đạt chuẩn 99,9% (vượt 3,5%); 50,7%  giảng viên các trường cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên. Ngành Giáo dục đã triển khai tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh trong các trường trung học phổ thông, các trung tâm Giáo dục thường xuyên để định hướng cho học sinh chọn nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu của địa phương. Công tác xã hội hóa trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được chú trọng, khuyến khích các thành phần kinh tế mở cơ sở đào tạo nghề, trường mầm non, phổ thông, trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tin học chất lượng cao; áp dụng tối đa các cơ chế, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động như: thuê đất, thuế, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi về thủ tục cho doanh nghiệp tham gia đào tạo và dạy nghề.

Đối với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế, Lâm Đồng tăng cường công tác đào tạo nhằm từng bước hình thành đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn và quản lý giỏi. Tính đến tháng 12/2010, đã có 259 cán bộ viên chức được đào tạo và bồi dưỡng. Trong đó: đào tạo sau đại học 65 người; đào tạo đại học 149 người; đào tạo trung học 12 người; ngoài ra đào tạo theo địa chỉ hệ chính quy cho 75 người  và đào tạo Bác sĩ theo chế độ cử tuyển là 143 người.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được tỉnh quan tâm. Tỉnh đã đẩy mạnh các chương trình hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tuyển chọn cán bộ công chức, viên chức thuộc các ngành y tế, giáo dục, khoa học- kỹ thuật, công nghệ cao, nông nghiệp, công nghiệp, tài chính đi đào tạo sau đại học trong nước và nước ngoài. Trong thời gian qua đã phối hợp với một số trường đại học trong nước tổ chức đào tạo sau đại học tại Đà Lạt. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh có 416 người được đào tạo sau đại học (có 6 nghiên cứu sinh), trong đó số đi học hưởng từ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực là 187 người (2 nghiên cứu sinh ở nước ngoài), số còn lại do đơn vị hỗ trợ một phần kinh phí và cá nhân tự túc kinh phí. Từ năm 2008 đến nay đã có 475 người tham gia học tập và dự thi chứng chỉ TOEFL và TOEIC và thường xuyên mở các lớp đào tạo tiếng Anh chứng chỉ A,B,C cho cán bộ công chức các sở ngành nhằm đáp ứng yêu cầu công tác và hội nhập quốc tế.

Cũng cần nói thêm về công tác đào tạo nghề: Trong thời gian qua, Lâm Đồng đã đẩy nhanh xã hội hóa lĩnh vực dạy nghề bảo đảm cả về qui mô, chất lượng, tạo ra cơ cấu lao động hợp lý, hiện nay toàn tỉnh có 43 cơ sở dạy nghề, trong đó có 24 cơ sở tư thục. Đa dạng hóa loại hình đào tạo nghề, đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng và thực tập thực tế, đáp ứng yêu cầu sử dụng của xã hội, của các doanh nghiệp, nhà máy…

PV: Theo đồng chí đâu là nguyên nhân đạt những kết quả khả quan trên?

CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Nguyên nhân cơ bản là lãnh đạo cấp ủy và chính quyền một số ngành, địa phương đã quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực và xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương nên đã chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức và phát triển nguồn nhân lực.

Cuối cùng là tỉnh đã ban hành các chế độ, chính sách về đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ khuyến khích cán bộ công chức và người lao động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và quan trọng hơn nữa là ý thức tự học tập vươn lên của mỗi cán bộ công chức.

PV: Xin đồng chí cho biết mục tiêu đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực của Lâm Đồng đến năm 2015!

CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Mục tiêu chung đề ra là tập trung đầu tư để phát triển nguồn nhân lực đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ, tạo ra lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật ngày càng cao đáp ứng nhu cầu lao động qua đào tạo cho các chương trình kinh tế  - xã hội trọng tâm của tỉnh và cho doanh nghiệp trên địa bàn. Tăng cường đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, chuyên gia giỏi trên một số lĩnh vực; đào tạo cán bộ công chức, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý có phẩm chất và năng lực, có phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

Về mục tiêu cụ thể như sau: Phấn đấu có 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức viên chức, cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định; trong đó cán bộ, công chức cấp xã ít nhất 35% đạt trình độ đại học và cao đẳng. Có trên 90% cán bộ công chức sử dụng tin học và ngoại ngữ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Có ít nhất 10% công chức hành chính và 20% viên chức sự nghiệp có trình độ trên đại học. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45 - 50%. Mỗi năm có 25.000 - 30.000 công nhân được các doanh nghiệp bổ túc, đào tạo nghề phù hợp với công nghệ sản xuất, yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm. 100 % giáo viên đạt chuẩn, 50% giáo viên mầm non đạt trình độ cao đẳng trở lên, 7% giáo viên trung học phổ thông đạt trình độ thạc sĩ trở lên.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là việc tỉnh hết sức quan tâm. Theo đó tỉnh sẽ đẩy mạnh các chương trình hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực.Tuyển chọn cán bộ công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi thuộc các ngành y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp đi đào tạo sau đại học ở trong  nước và nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước.

PV: Thưa đồng chí để đạt mục tiêu đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực vào năm 2015, vậy Lâm Đồng đã đề ra các giải pháp như thế nào?

CHỦ TỊCH UBND TỈNH: - Về các giải pháp cụ thể, UBND tỉnh đã đề ra 8 giải pháp. Đó là:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, quan tâm của toàn xã hội đối với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp trong tỉnh có trách nhiệm trong việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành, địa phương, đơn vị mình.

2. Đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nghề, nhưng phải chú trọng theo tính chuyên môn hóa sâu. Không đào tạo dàn trải, đào tạo mà không gắn chặt với yêu cầu của người sử dụng, dẫn đến kém hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực sẽ thấp và lãng phí.

3. Tăng cường đầu tư thiết bị, dụng cụ dạy học cho các trường theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

4. Thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách về đào tạo,  phát triển nguồn nhân lực cho phù hợp. Rà soát, bổ sung chính sách đào tạo học sinh trường chuyên, học sinh trường dân tộc nội trú, sinh viên cử tuyển, học sinh giỏi và giáo viên giỏi.

5. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho số cán bộ, công chức trẻ có trình độ chuyên môn giỏi để cử đi học các lớp đào tạo sau đại học.
      
6. Chú trọng thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội hóa công tác phát triển nguồn nhân lực dưới nhiều hình thức, nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực tài chính thuộc các thành phần kinh tế.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!
HỒ LAN (Thực hiện)