Bảo Lộc sẽ trở thành trung tâm dịch vụ - công nghiệp của tỉnh

02:08, 18/08/2011

Bài phỏng vấn đồng chí Lê Hoàng Phụng - UVTV, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc về định hướng phát triển thành phố Bảo Lộc giai đoạn 2011 - 2015.

Nghị quyết 07 - NQ/ TU (ngày 5/8/2011) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa IX) định hướng phát triển thành phố Bảo Lộc trở thành trung tâm dịch vụ - công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, mục tiêu tổng quát đặt ra với thành phố trẻ này là: Phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với thực hiện tái cấu trúc các ngành sản xuất phù hợp yêu cầu kết hợp hài hòa giữa phát triển theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu; đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng Bảo Lộc trở thành trung tâm dịch vụ - công nghiệp của tỉnh và đáp ứng yêu cầu của trung tâm tỉnh lỵ. Để hiểu rõ hơn một số nội dung cơ bản của Nghị quyết 07 - NQ/TU, đồng chí Lê Hoàng Phụng - UVTV, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc đã có cuộc trao đổi với Báo Lâm Đồng.

PV: Xin đồng chí cho biết những định hướng lớn về phát triển kinh tế của thành phố trong 5 năm tới?

Đồng chí Lê Hoàng Phụng
Đồng chí Lê Hoàng Phụng
Đ/c LÊ HOÀNG PHỤNG: Bảo Lộc có ưu thế nổi bật về sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội Bảo Lộc giai đoạn 2006 - 2010, Bảo Lộc đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế- xã hội, được công nhận là đô thị loại 3, thành phố thuộc tỉnh và cơ bản trở thành đô thị công nghiệp- dịch vụ, thể hiện được vai trò là địa bàn trọng điểm về kinh tế và đô thị trung tâm khu vực các huyện phía Nam của tỉnh.

Giai đoạn 5 năm (2006 – 2010), kinh tế Bảo Lộc tăng trưởng khá, bình quân 17,9%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp- xây dựng chiếm 44,5%, dịch vụ 38,5%, nông- lâm nghiệp 17%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm 2.220 tỷ đồng, trong đó thu từ thuế, phí 1.427 tỷ đồng; tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm 17,9%. Hoàn thành 8/15 nhóm công trình trọng điểm mà Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xác định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số mặt hạn chế, yếu kém, nổi bật là: Kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa thực sự vững chắc. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ, luôn chịu sự tác động bất lợi trong cạnh tranh. Thành phố chưa thu hút được những dự án đầu tư lớn để tạo động lực cho nền kinh tế. Trong phát triển, chưa tạo được sự kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội, bảo vệ môi trường.

Thời gian 5 năm tới, về phát triển kinh tế, Bảo Lộc cần phấn đấu  đạt các chỉ tiêu cơ bản: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (giá 1994) bình quân hàng năm 16 - 17%; trong đó, nông, lâm nghiệp- thủy sản tăng 4 - 5%; công nghiệp- xây dựng tăng 18 - 19%; dịch vụ tăng 19 - 20%. Cơ cấu GDP năm 2015: nông, lâm nghiệp - thủy sản 11 - 13%, công nghiệp - xây dựng 39 - 40%; dịch vụ 47 - 49%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm 1.200 - 1.300 triệu USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm 11.500 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 năm 3.785 tỷ đồng; trong đó thu từ thuế, phí chiếm tỷ trọng trên 80%. Đến năm 2015: GDP bình quân đầu người 48- 49 triệu đồng. Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo 55%, trong đó qua đào tạo nghề 41%. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Có 3 xã đạt 100%, 2 xã còn lại đạt 80% tiêu chí xã nông thôn mới.
 
Nghề tơ tằm đang phát triển ở Bảo Lộc. Ảnh BT
Nghề tơ tằm đang phát triển ở Bảo Lộc. Ảnh BT

PV: Để nền kinh tế phát triển, Bảo Lộc phải tập trung cho vấn đề nào?

Đ/c LÊ HOÀNG PHỤNG: Để phát triển kinh tế, giai đoạn 2011 – 2015, Bảo Lộc cần tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, tạo bước đột phá về tăng trưởng, chất lượng, khả năng cạnh tranh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Muốn vậy phải chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao là chế biến nông sản, khoáng sản; gắn khai thác với chế biến, nâng cao hiệu quả đầu tư và giá trị thương phẩm, sản phẩm có hàm lượng công nghệ tiên tiến đạt 35- 40%; hình thành một số cơ sở công nghiệp hỗ trợ. Hoàn thiện hạ tầng, đến năm 2015 lấp đầy diện tích Khu Công nghiệp Lộc Sơn, 70% Cụm Công nghiệp Lộc Phát, Lộc Tiến. Tổ chức lại các cụm công nghiệp phù hợp quy hoạch hạ tầng nông thôn và quy hoạch vùng nguyên liệu; lập quy hoạch và triển khai xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Đại Lào. Thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng vừa tăng quy mô, vừa nâng chất lượng trong cơ cấu các ngành sản xuất công nghiệp và đảm bảo thu hút vốn 3.500 - 4.000 tỷ đồng của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển công nghiệp.

Bên cạnh đó, Bảo Lộc đẩy mạnh phát triển mạnh các ngành dịch vụ nhất là các ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, kiểm định kiểm hoá hàng xuất khẩu. Mở rộng các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, tạo sự chuyển biến trong phát triển du lịch. Thu hút đầu tư và tạo thuận lợi để nhà đầu tư triển khai đúng tiến độ các dự án xây dựng chợ nông thôn, trung tâm thương mại, dịch vụ. Thu hút đầu tư 3.500- 4.000 tỷ đồng trong 5 năm để đảm bảo mức tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ 19- 20%/năm.
Các công trình trọng điểm của tỉnh trên địa bàn Bảo Lộc:
- Đường Phan Đình Phùng, đường vành đai phía Nam, đường tránh đi vào trung tâm thành phố để vận chuyển bauxite.
- Cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lộc Phát, khu công nghiệp Đại Lào.
- Công trình đầu mối và hệ thống cấp thoát nước; hệ thống xử lý nước thải; hệ thống cấp điện và cáp ngầm đô thị; công trình thủy lợi Đam Bri.
- Thành lập trường chuyên THPT Bảo Lộc; xây dựng 01 trường đại học.
Các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố thực hiện theo cơ chế huy động đầu tư:
- Khu liên hợp Văn hóa - Thể thao.
- Khu nghỉ dưỡng và công viên hồ Nam Phương II.
- Dự án xử lý rác thải.
Vấn đề nữa được đặt ra là quan tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lấy công nghệ sinh học làm động lực; phát triển vùng sản xuất hàng hóa trà, cà phê, dâu tằm gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh của sản phẩm, từng bước hình thành vùng chuyên canh về nấm, rau, hoa và cây ăn quả, tạo ra giá trị mới, chất lượng cao trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy thu hút đầu tư 2.000 - 2.500 tỷ đồng phát triển nông nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2015, giá trị sản xuất bình quân 1 ha đất canh tác đạt trên 110 triệu đồng. Phát triển nông - lâm nghiệp gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới có hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.

PV: Cùng với phát triển thành một trung tâm dịch vụ - công nghiệp của tỉnh, vậy Bảo Lộc sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp đô thị theo hướng nào?

Đ/c LÊ HOÀNG PHỤNG: Theo tinh thần của Nghị quyết 07 – NQ/TU, thành phố Bảo Lộc sẽ chú trọng đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị và nâng cấp hạ tầng nông thôn; qui hoạch mở rộng không gian đô thị; đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị… phấn đấu đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại 2, đáp ứng yêu cầu đô thị chức năng tỉnh lỵ Lâm Đồng, trọng tâm là:

- Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội thị đạt 4,5 km/km2. Phát triển hệ thống giao thông nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng. Cùng các ngành chức năng của tỉnh và Trung ương đầu tư, tạo hệ thống giao thông đối ngoại hoàn chỉnh.

- Nâng quy mô cấp nước từ 8.000 m3 lên trên 17.000 m3 nước/ngày đêm; bảo đảm tỷ lệ sử dụng nước máy trong khu vực nội thị đạt 95%. Xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải, rác thải. Giữ gìn cảnh quan môi trường, nâng mật độ cây xanh đô thị đạt 12 m2/người, tạo thêm các hoa viên, công viên, lâm viên phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng.

- Nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng các ngành kỹ thuật, bảo đảm hiệu quả hoạt động dịch vụ công.

Trong quá trình phát triển, Bảo Lộc cần chú trọng khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường. Trên cơ sở quy hoạch và thăm dò tài nguyên khoáng sản, có kế hoạch khai thác gắn với chế biến để sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, đặc biệt chú ý xử lý chất thải trong quá trình chế biến các mặt hàng nông sản, khoáng sản, không để xảy ra ô nhiễm nguồn nước, không khí. Từng bước di dời các cơ sở sản xuất và trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực đông dân cư, đưa vào khu quy hoạch tập trung.

PV: Cảm ơn Bí thư Thành ủy Bảo Lộc!

Nguyễn Thanh thực hiện