Sơ kết 3 năm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng

03:08, 25/08/2011

Sáng 25/8/2011, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh tại 12 điểm đầu cầu trực tuyến để sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 41 – CT/TU ngày 30/9/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

* Đồng chí Huỳnh Đức Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng
 
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Sáng 25/8/2011, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh tại 12 điểm đầu cầu trực tuyến để sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 41 – CT/TU ngày 30/9/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Tại điểm cầu trực tuyến Hội trường Tỉnh ủy, các đồng chí: Nguyễn Xuân Tiến – UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Đức Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Công Tiến – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh; các đồng chí Tỉnh ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm.

Theo báo cáo của Sở NN – PTNT tỉnh: Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên 977.219 ha; trong đó diện tích đất có rừng trên 602.000 ha (rừng tự nhiên trên 547.810 ha, rừng trồng 54.330 ha). Rừng Lâm Đồng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái; bảo vệ, điều tiết nguồn nước các sông suối, hồ trên địa bàn tỉnh và khu vực Đông Nam Bộ. Thời gian qua, nhìn chung việc triển khai thực hiện Chỉ thị 41 – CT/TU đã đạt những kết quả nhất định. Trước hết, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, duy trì thường xuyên hơn trước. Toàn  tỉnh tổ chức 4.756 cuộc tuyên truyền (tuyên truyền trực tiếp 2.134 cuộc với 106.973 lượt người tham dự), ký 26.458 cam kết bảo vệ rừng, phát 118.431 tờ rơi; có 329 thôn, buôn xây dựng quy ước bảo vệ rừng.

Có được kết quả đó là do cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương bám sát chỉ thị, kịp thời chỉ đạo điểm đến các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở triển khai thực hiện. Các sở, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng nên tình hình phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép có chiều hướng giảm. UBND tỉnh kịp thời ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và PCCCR. Các cấp ủy Đảng cơ sở kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị chuyên đề trên lĩnh vực này. Đã huy động lực lượng cấp tỉnh, huyện đủ mạnh tiến hành truy quét, triệt phá những ổ, nhóm vi phạm Luật BV & PTR. Ban Lâm nghiệp xã được củng cố, kiện toàn. Thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, giao đất lâm nghiệp để các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng kinh tế, trồng cây cao su, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. 
 
Đ/c Nguyễn Xuân Tiến
Đ/c Nguyễn Xuân Tiến -  UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh Văn Báu

Tuy đạt nhiều kết quả khả quan song công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Lâm Đồng vẫn còn một số hạn chế: Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành với lực lượng kiểm lâm chưa được nhịp nhàng, đồng bộ. Tình trạng phá rừng làm rẫy, chặt phá, ken cây rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn ra khá gay gắt ở một số địa phương (Lạc Dương, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai) với tính chất và mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp mà chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Vi phạm về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm hình thành băng nhóm chuyên nghiệp về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép sẵn sàng tập trung đông người để cản trở, uy hiếp, thậm chí hành hung cả người thi hành công vụ nhằm tẩu tán tang vật, phương tiện, giải cứu cho đối tượng vi phạm…
 
Đại biểu dự hội nghị
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh Văn Báu

Hội nghị đã nghe báo cáo và ý kiến đóng góp của các đơn vị: Chi cục Kiểm lâm, Công an tỉnh, Hội Nông dân, huyện Bảo Lâm, Lạc Dương, Đơn Dương, Công ty TNHH Lâm nghiệp Di Linh… vào báo cáo sơ kết của tỉnh. Kết luận hội nghị, đồng chí Huỳnh Đức Hòa – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cấp xã phải xác định việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Sau hội nghị này, các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng với thi đua, khen thưởng, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên, bình xét danh hiệu tổ chức, gia đình văn hóa ở khu dân cư hàng năm. Đồng chí cũng yêu cầu, UBND các cấp tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ tình hình quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên từng địa bàn; đặc biệt là thu hồi các văn bản ban hành trái thẩm quyền liên quan đến khai thác, chế biến lâm sản, giám sát chặt chẽ hoạt động các cơ sở chế biến gỗ, đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng phá rừng trái phép tại một số địa phương.  

BÌNH NGUYÊN