Nhiều ý kiến đóng góp cho 2 dự thảo luật quan trọng

04:09, 22/09/2011

Chiều 20/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự án Luật Lưu trữ. Tham dự có các thành viên của Tổ tư vấn Pháp luật (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh), cùng một số chuyên gia về luật và lĩnh vực lưu trữ trên địa bàn tỉnh.

Chiều 20/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự án Luật Lưu trữ. Tham dự có các thành viên của Tổ tư vấn Pháp luật (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh), cùng một số chuyên gia về luật và lĩnh vực lưu trữ trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo, đa số các đại biểu đều nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành Luật Lưu trữ, đồng thời trực tiếp đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho dự thảo Luật. Nổi bật trong số các ý kiến đóng góp là nên quy định việc nghiêm cấm các hành vi sử dụng tài liệu lưu trữ gây tổn hại đến an ninh Quốc gia; Cần quy định thời gian phù hợp cho từng loại tài liệu lưu trữ; Có những điều kiện chặt chẽ hơn trong việc cấp chứng chỉ hành nghề cho tổ chức và cá nhân làm công tác lưu trữ... Dự thảo Luật Lưu trữ gồm có 7 chương và 47 điều; được xây dựng nhằm tăng cường quản lý các hoạt động về thu thập, bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động lưu trữ phù hợp với yêu cầu cải cách nền hành chính, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn bảo đảm quản lý tốt, có hiệu quả hoạt động lưu trữ.

Trước đó, trong sáng cùng ngày, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Tố cáo, nhằm bổ sung và có những chỉnh lý phù hợp trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sắp đến trong tháng 10/2011. Dự thảo Luật Tố cáo gồm 8 chương và 54 điều, với một số điểm mới như: Điều chỉnh việc giải quyết tố cáo vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ công chức, viên chức; Vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Dự thảo Luật cũng bổ sung 1 chương mới là: bảo vệ người tố cáo, trong đó ghi nhận quyền được bảo vệ bí mật của người tố cáo, yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, việc làm, trách nhiệm và các biện pháp của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhất là cơ quan công an trong việc bảo vệ người tố cáo, việc xử lý người vi phạm quy định  pháp luật về bảo vệ người tố cáo.

Tại buổi góp ý dự thảo, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là chủ thể tố cáo và tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo. Đối với vấn đề chủ thể tố cáo, có ý kiến tán thành chủ thể tố cáo là công dân như quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị mở rộng chủ thể tố cáo không chỉ là công dân, mà còn có thể là tổ chức. Ngoài ra, đa số đại biểu cũng tán thành với dự thảo Luật là người tố cáo phải ghi rõ họ, tên địa chỉ của mình, nhưng cũng có đại biểu cho rằng cần có quy định đối với người tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ, nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét.

THỤY TRANG