Chủ tịch UBND tỉnh làm việc tại 3 huyện phía nam

04:10, 20/10/2011

(LĐ online) - Trong 2 ngày (18, 19/10), đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với ba huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, chuẩn bị kế hoạch năm 2012.

(LĐ online) - Trong 2 ngày (18, 19/10), đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với ba huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, chuẩn bị kế hoạch năm 2012. Cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo 3 huyện.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến chỉ đạo tại huyện Đạ Tẻh
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến làm việc tại huyện Đạ Tẻh

Theo báo cáo của 3 huyện, từ đầu năm đến nay, các lĩnh vực kinh tế- xã hội của Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai đều có những chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất các ngành nông- lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp có sự chuyến biến rõ nét theo hướng hàng hoá. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới triển khai có hiệu quả. Các chính sách an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thường xuyên.

Huyện Cát Tiên, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 17,79%; thu nhập bình quân đầu người trên 17 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước năm 2011 ước thu 32,4 tỷ đồng, (so kế hoạch tỉnh giao, đạt 92,6%); tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 18,7%.

Huyện Đạ Tẻh, GDP đạt 11,5%; thu nhập bình quân đầu người 24,9 triệu đồng;  tổng thu ngân sách nhà nước năm 2011 ước đạt gần 31 tỷ đồng (102,9% so kế hoạch phấn đấu); tỷ lệ hộ nghèo còn 17,76%. 

Huyện Đạ Huoai, GDP đạt 13,9%; thu nhập bình quân đầu người 18,6 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 35,5 tỷ đồng (bằng 105,3% dự toán phấn đấu); tỷ lệ hộ nghèo 19,7%...  
 
Tuy nhiên, ở 3 huyện phía nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn chậm và chưa thật bền vững. Việc chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị kinh tế của cây trồng, vật nuôi vẫn chưa đạt kết quả như kế hoạch đề ra; dịch bệnh vẫn còn tác động mạnh. Sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp chậm phát triển, quy mô nhỏ, thiếu khả năng cạnh tranh và tính ổn định chưa cao. Việc triển khai thực hiện một số dự án, công trình còn chậm, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và chưa có sự phối hợp triển khai chặt chẽ. Công tác quản lý bảo vệ rừng đã được tăng cường nhưng chưa ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất và khai thác lâm sản trái phép. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá chưa thật sự đi vào chiều sâu; công tác giải quyết việc làm chưa bền vững, xuất khẩu lao động đạt tỷ lệ thấp, …

Năm 2012, các huyện phía nam đã đặt ra một số chỉ tiêu phấn đấu là: GDP 17-18% (ở Cát Tiên), 13-14% (ở Đạ Tẻh và Đạ Huoai); tổng thu ngân sách nhà nước 42 tỷ đồng (Cát Tiên), 33,5 tỷ đồng (Đạ Tẻh) và 36,9 tỷ đồng (Đạ Huoai); tổng mức đầu tư xã hội 350 tỷ đồng (Cát Tiên và Đạ Tẻh), 755 tỷ đồng (Đạ Huoai). Tỷ lệ hộ nghèo ở Cát Tiên dưới 12,7%; ở Đạ Tẻh dưới 15% và ở Đạ Huoai 14,7%...

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện tiếp tục bám sát các nghị quyết, chủ trương của trung ương và tỉnh để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị về phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, vận dụng linh hoạt, sáng tạo để phát huy những ưu thế của từng địa phương trước tình hình kinh tế-xã hội nói chung của đất nước và thế giới còn nhiều diễn biến khó khăn và phức tạp.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến đặc biệt lưu ý với các địa phương 3 huyện phía nam một số nội dung cần tiếp tục xem xét, rà soát và đưa ra những quyết sách kinh tế-xã hội đạt hiệu quả cao nhất. Đó là, một số chỉ tiêu tăng trưởng còn chậm; kim ngạch xuất khẩu chưa cao; cần tạo điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư. Tích cực và quyết tâm triển khai thực hiện tốt phong trào toàn dân chung tay xây dựng “Nông thôn mới” để đến năm 2015 toàn tỉnh đạt được 30% số xã có mô hình “Nông thôn mới” thành công. Công tác quản lý bảo vệ rừng cần quyết liệt và phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp, cơ quan chức năng, hệ thống chính trị cơ sở và người dân để tiếp tục tăng độ che phủ rừng cao hơn tại mỗi địa phương. Năm 2012 là năm bản lề, do đó các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tích cực để phấn đấu đạt được mức tăng trưởng kinh cao nhất có thể; các vấn đề về an sinh xã hội, trật tự-an ninh tiếp tục nâng lên ở một tầm cao mới…

 MINH ĐẠO