Để thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quán lý

03:10, 04/10/2011

Từ năm 2002 đến nay, Lâm Đồng đã luân chuyển 64 lượt cán bộ, trong đó luân chuyển từ tỉnh về Trung ương 4 đồng chí, luân chuyển tỉnh từ tỉnh xuống huyện 21 đồng chí

Ngày 25/1/2002, Bộ Chính trị (khoá IX) đã ra Nghị quyết số 11 về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tại Lâm Đồng, gần 10 năm triển khai thực hiện, nghị quyết đã đi vào cuộc sống, tạo nên những bước đột phá, tạo bước chuyển biến mới, tích cực trong công tác cán bộ, khắc phục dần tình trạng “khép kín, cục bộ”, hẫng hụt, bị động, chắp vá cán bộ, góp phần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.

KẾT QUẢ ĐÁNG PHẤN KHỞI

Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh – UVBTV, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ cho biết: Từ năm 2002 đến nay, Lâm Đồng đã luân chuyển 64 lượt cán bộ, trong đó luân chuyển từ tỉnh về Trung ương 4 đồng chí, luân chuyển tỉnh từ tỉnh xuống huyện 21 đồng chí; từ huyện, thành phố lên tỉnh 15 đồng chính; luân chuyển giữa các huyện 3 đồng chí; luân chuyển giữa các ngành, đoàn thể 11 đồng chí. Luân chuyển, điều động cán bộ của các huyện thị, thành, các đảng uỷ trực thuộc cơ quan trong tỉnh 504 đồng chí, trong đó luân chuyển từ huyện, thị xã, thành phố về tỉnh 64 lượt; luân chuyển từ huyện, thị xã, thành phố xuống xã, phường, thị trấn 110 lượt; luân chuyển từ xã, phường, thị trấn lên huyện, thị xã, thành phố 49 lượt; điều động, luân chuyển ngang từ cơ quan, đoàn thể khối nhà nước, giữa xã này sang xã kia 285 lượt. Số cán bộ luân chuyển bình quân 48,7 tuổi. Sau luân chuyển, 100% đồng chí được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 97,5% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Qua thực tế việc luân chuyển cán bộ ở tỉnh ta cho thấy, đây là cơ hội để tạo nguồn cán bộ dồi dào, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, được rèn luyện bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo ngay ở cơ sở. Hầu hết cán bộ sau khi được luân chuyển đều an tâm công tác, cố gắng phấn đấu vượt khó khăn ban đầu để hoàn thành nhiệm vụ được giao, có bước trưởng thành, tiếp cận nhanh với điều kiện, môi trường làm việc, phát huy được khả năng công tác và vai trò, trách nhiệm, tạo được phong trào và cách làm mới, góp phần tích cực giúp các địa phương, đơn vị ổn định tổ chức bộ máy, được cấp uỷ và nhân dân địa phương đồng tình, tín nhiệm.

Đa số đồng chí được luân chuyển, điều động là những người có năng lực thực tiễn, năng lực giải quyết tốt các tình huống khó khăn tại cơ sở, thể hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ để lãnh đạo hệ thống chính trị địa phương. Cán bộ càng luân chuyển xuống cơ sở càng tích luỹ nhiều kinh nghiệm, để vững vàng khi ở vị trí cao hơn, giải quyết những vấn đề lớn hơn. Nhiều cán bộ luân chuyển trưởng thành về cách nghĩ, cách làm; tích luỹ được nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn; có quan điểm, cách nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện.

NHỮNG KINH NGHIỆM VÀ GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN

Quá trình thực hiện công tác luân chuyển những năm qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là: Quán triệt nghiêm túc Nghị quyết và hướng dẫn của Trung ương để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện với trọng tâm thực hiện luân chuyển cán bộ là quy trình bắt buộc đối với cán bộ trong diện quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Gắn chặt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí với công tác luân chuyển cán bộ, trong đó khâu đánh giá đúng cán bộ về phẩm chất, năng lực, hoàn cảnh… là quan trọng nhất.

Trong quá trình thực hiện phải giữ đúng nguyên tắc, đúng quy trình, công khai, minh bạch. Luân chuyển phải thực hiện theo phương án cụ thể, thận trọng, kiên quyết, vừa bảo đảm tính ổn định, phát triển, vừa bảo đảm yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng trong diện quy hoạch. Cấp uỷ cấp trên và nơi cán bộ được luân chuyển tới phải thường xuyên quản lý, theo dõi và tạo điều kiện để cán bộ yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ.

Trong quá trình luân chuyển phải chú trọng về chuyên môn, sở trường, năng lực của cán bộ, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị để bố trí cán bộ phù hợp; khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, không muốn nhận người từ nơi khác đến và cho rằng cán bộ đã qua luân chuyển phải được bố trí ở vị trí công tác cao hơn. Đặc biệt, không được lợi dụng việc luân chuyển để trù dập, loại bỏ cán bộ không thuộc “ê kíp”.

Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh – UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ cho biết: Để đưa việc luân chuyển cán bộ trở thành nhiệm vụ thường xuyên, việc làm bình thường, ổn định và có chất lượng phải kết hợp chặt chẽ công tác tổ chức với công tác tư tưởng vừa động viên khuyến khích tính tự giác của cán bộ, đảng viên, vừa yêu cầu cán bộ nghiêm túc chấp hành quyết định luân chuyển của tổ chức.

Cần bám sát và áp dụng nghiêm túc tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh đã ban hành và xây dựng tiêu chí quy định như một điều kiện bắt buộc về những chức danh lãnh đạo cấp dưới phải trải qua trước khi được giao nhiệm vụ cao hơn. Kết hợp tốt công tác quy hoạch với luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Phải có lộ trình và áp dụng nhiều hình thức luân chuyển cả luân chuyển dọc – ngang, lên – xuống, từ địa phương này sang địa phương khác, từ khối này sang khối khác. Mạnh dạn tăng cường luân chuyển cán bộ trẻ có năng lực và triển vọng xuống các huyện giữ vị trí chủ tịch, phó chủ tịch, phó bí thư huyện, kết hợp luân chuyển để đào tạo bồi dưỡng phục vụ lâu dài với việc xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, chuyên gia giỏi trên từng lĩnh vực nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020.

Nhanh chóng xem xét, sửa đổi những quy định tạm thời của tỉnh về trợ cấp cho cán bộ luân chuyển để sớm ban hành một số chế độ, chính sách động viên cán bộ yên tâm công tác, bảo đảm cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.
HỒ LAN