Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát chuyên đề tại huyện Lạc Dương

03:10, 18/10/2011

Trong các ngày từ 11-14/10, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Lâm Đồng do ông Đặng Đình Mùi - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm Phó Trưởng đoàn đã tiến hành đợt giám sát chuyên đề về “Công tác khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008-2011”...

Trong các ngày từ 11-14/10, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Lâm Đồng do ông Đặng Đình Mùi - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm Phó Trưởng đoàn đã tiến hành đợt giám sát chuyên đề về “Công tác khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008-2011” tại các xã: Đạ Sar, Đạ Nhim, Công ty TNHH Tài Tín, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Võ Hà Lê, khu vực thăm dò khoáng sản của Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác khoáng sản Núi Cao và Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim. Cùng tham gia đợt giám sát thực tế có lãnh đạo các Sở, ban, ngành hữu quan của tỉnh và huyện Lạc Dương.
 
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát chuyên đề tại xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát chuyên đề tại xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương

Tại xã Đạ Sar, báo cáo với đoàn giám sát về công tác khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng trên địa bàn, UBND xã Đạ Sar cho biết: Toàn xã hiện có hơn 21.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó trên 20.000 ha là rừng phòng hộ, còn lại là rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Năm 2010, huyện Lạc Dương đã cấp đất sản xuất cho 104 hộ dân thiếu đất sản xuất dưới 0,5 ha và tiến hành di dời 25 hộ gia đình từ Liên Tro về khu định canh định cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân trong xã, đặc biệt là các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số… Tính đến tháng 9/2011, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 87 vụ vi phạm, trong đó diện tích rừng bị thiệt hại là gần 163.160 m2; khối lượng lâm sản thiệt hại là hơn 400 m3; giải tỏa 3 đợt lấn chiếm đất rừng trái phép tại các tiểu khu với diện tích hơn 23 ha. Riêng về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, trên địa bàn xã Đạ Sar chưa có tổ chức, cá nhân nào đầu tư khai thác khoáng sản. Chỉ có duy nhất Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác khoáng sản Núi Cao được UBND tỉnh cho phép khảo sát, thăm dò thiếc từ tháng 7/2011. Tại xã Đa Nhim, mặc dù diện tích rừng tại xã đã được giao cho 19 đơn vị, 17 doanh nghiệp và 558 hộ dân nhận khoán, quản lý bảo vệ với hơn 15.400 ha rừng, thế nhưng tình trạng lấn chiếm đất rừng tại một số tiểu khu chẳng những không giảm, mà còn gia tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2011đã xảy ra 44 vụ lấn chiếm đất rừng trái phép với diện tích hơn 13 ha.

Tiếp đó, trong khuôn khổ của đợt giám sát, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng đã đi thực địa giám sát việc quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH Tài Tín và Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Võ Hà Lê. Theo đó, Công ty TNHH Tài Tín là đơn vị thuê đất lâm nghiệp thực hiện dự án Nông-Lâm kết hợp tại Tiểu khu 95 thuộc địa bàn xã Đa Nhim với diện tích trên 100 ha. Tuy nhiên, từ năm 2008 trở lại đây, doanh nghiệp này đã để xảy ra tình trạng một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương ken cây, phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng cà phê trên lâm phần do doanh nghiệp quản lý, gây thiệt hại 920 cây thông với trữ lượng gần 540 m3 gỗ. Riêng Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Võ Hà Lê – đơn vị đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện Dự án Khu Du lịch sinh thái, trồng hoa xuất khẩu kết hợp chăn nuôi một số loài động vật rừng và quản lý bảo vệ rừng tại Tiểu khu 94 A và Tiểu khu 120 thuộc địa bàn xã Đa Nhim với tổng diện tích hơn 350 ha. Từ năm 2008 trở lại đây, doanh nghiệp này cũng đã để xảy ra tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép gây thiệt hại trên 3,5 ha rừng thuộc lâm phần do doanh nghiệp quản lý. Tiếp tục thị sát tại khu vực thăm dò khoáng sản của Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác khoáng sản Núi Cao tại tiểu khu 142 thuộc địa bàn xã Đạ Sar, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã chứng kiến thực trạng lén lút đào đãi thiếc trái phép với khá nhiều hầm, giếng đào thiếc lộ thiên và một số “địa đạo bất đắc dĩ” nằm sâu trong lòng đất thuộc diện tích được phép thăm dò của Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác khoáng sản Núi Cao.

Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, báo cáo với Đoàn giám sát, lãnh đạo Ban này cho rằng: Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp; trách nhiệm của một số cán bộ thực thi nhiệm vụ QLBVR còn hạn chế, chưa đề xuất được các giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình hình vi phạm lâm luật; một số diện tích rừng được giao khoán quản lý bảo vệ vẫn còn bị phá và lấn chiếm trái phép; các hộ nhận khoán bảo vệ rừng vẫn còn phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép; việc lợi dụng quy hoạch để phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng tinh vi và phức tạp hơn; thêm vào đó, chế tài xử lý chưa đủ mạnh đã dẫn đến việc các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật, gây khó khăn cho Ban trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim hiện đang trực tiếp quản lý hơn 47.890 ha rừng, thuộc 49 tiểu khu nằm trên địa bàn 5 xã và 1 thị trấn của huyện Lạc Dương. Trong đó, có hơn 44.900 ha đất lâm nghiệp, với trên 23.460 ha rừng phòng hộ và trên 21.430 ha rừng sản xuất. Theo đó, từ tháng 01/2008 đến 5/2011, tại lâm phần do Ban quản lý đã xảy ra 373 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, diện tích bị thiệt hại là trên 59 ha, khối lượng lâm sản thiệt hại hơn 736 m3 gỗ các loại; tổng diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép đã giải tỏa, thu hồi là hơn 78 ha và diện tích mà Ban đã trồng lại rừng trên diện tích giải tỏa là hơn 44,5 ha.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng đã yêu cầu UBND các xã Đạ Sar, Đa Nhim, Công ty TNHH Tài Tín, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Võ Hà Lê, Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác khoáng sản Núi Cao và Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cần tổng hợp báo cáo đầy đủ, chính xác về tình hình lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép trên địa bàn, để trên cơ sở đó Đoàn giám sát tổng hợp và kết luận chính thức trong thời gian tới.

LÊ TRỌNG