Nhân dân và Dân tộc trong Cương lĩnh năm 2011

03:10, 11/10/2011

Cương lĩnh năm 2011 cũng chính là nền tảng chính trị, nền tảng lý luận định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, của nhân dân ta trước mắt và trong những thập kỷ tới mà hai nội dung quan trọng trong nền tảng ấy chính là Nhân dân và Dân tộc.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung phát triển năm 2011)  là ngọn cờ tư tưởng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta để tiếp tục củng cố, phát triển sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân. Cương lĩnh năm 2011 cũng chính là nền tảng chính trị, nền tảng lý luận định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, của nhân dân ta trước mắt và trong những thập kỷ tới mà hai nội dung quan trọng trong nền tảng ấy chính là Nhân dân và Dân tộc.

Trước hết, Cương lĩnh khẳng định: “Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại” chính là đã khẳng định vai trò to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Dân tộc.

Còn trong 5 bài học kinh nghiệm lớn thì bên cạnh bài học chủ yếu là “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu đảm bảo thắng lợi của cách mạng Việt Nam” chính là những bài học kinh nghiệm về Nhân dân và Dân tộc như: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”; “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế” và “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế”.

Tiếp đó, Cương lĩnh năm 2011 còn khẳng định rõ:  “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” mà xu thế lớn chính là “Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển”. Còn xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội có 8 đặc trưng cơ bản trong đó có hai đặc trưng mới được bổ sung so với Cương lĩnh năm 1991 là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và “Có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Bên cạnh đó là còn mở rộng biên độ “Do nhân dân làm chủ” chứ không giới hạn như Cương lĩnh năm 1991 đã nêu là “Do nhân dân lao động làm chủ”.

Còn trong phần thứ ba về những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thì ngay trong “Định hướng lớn về phát triển văn hóa, xã hội”, Cương lĩnh năm 2011 đã làm rõ hơn hai nội dung về con người như: “Khẳng định con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân” và “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”. Do đó Cương lĩnh năm 2011 đã nêu một trong ba nội dung bổ sung, phát triển về giáo dục đào tạo là: “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”. 

Cương lĩnh năm 2011 còn bổ sung các nội dung quan trọng là “Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình” vào mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh và nêu rõ phải “Phát triển đường lối, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân và lý luận, khoa học an ninh nhân dân”. Còn trong định hướng về đối ngoại, Cương lĩnh năm 2011 đã khẳng định thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh… Đây cũng là nhấn mạnh đến tính chất Nhân dân trong mọi hoạt động.

Còn trong phần thứ tư  thì  Cương lĩnh năm 2011cũng  đã bổ sung và phát triển vấn đề “Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước” và xác định “Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”. Ngoài việc khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân và “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” Cương lĩnh năm 2011 còn làm rõ hơn vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân vai trò trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên, thực hiện dân chủ, xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, thắt chặt mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Cuối cùng, trong lời hiệu triệu Cương lĩnh năm 2011 một lần nữa xác định  “Cương lĩnh của Đảng là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong những thập niên tới” nên không những kêu gọi tất cả đảng viên của Đảng mà còn kêu gọi toàn thể đồng bào Việt Nam ở trong nước và nước ngoài mang hết tinh thần và nghị lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, vững bước đi tới tương lai mà nước ta nhất định trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc.

Quán triệt sâu sắc các nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung phát triển năm 2011) trong đó có hai nội dung quan trọng là Nhân dân và Dân tộc, chúng ta càng phải nghiên cứu, tìm tòi nhiều giải pháp tốt nhất để ngày càng phát huy thật sự vai trò của Nhân dân cũng như sức mạnh Đại đoàn kết toàn Dân tộc trong sự nghiệp đổi mới toàn diện hiện nay góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng.
BÙI THANH LONG