Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

03:10, 13/10/2011

Trong những năm qua, Ban công tác Mặt trận vùng đồng bào DTTS ngày càng được củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức, từng bước đi vào hoạt động nề nếp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong những năm qua, Ban công tác Mặt trận vùng đồng bào DTTS ngày càng được củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức, từng bước đi vào hoạt động nề nếp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ những người làm công tác Mặt trận tại vùng DTTS đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên phạm vi toàn tỉnh. 

Ông Đàm Xuân Đêu - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện nay có 468 Ban công tác Mặt trận vùng DTTS với 4.965 thành viên; trong đó, có 978 người tiêu biểu trong tôn giáo, dân tộc. Trưởng Ban công tác Mặt trận hầu hết là người DTTS, có uy tín, có năng lực, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào, tâm huyết với công việc. Ban công tác Mặt trận vùng DTTS đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy; chương trình, kế hoạch của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, dân cư không tập trung, giao thông đi lại khó khăn nên công tác Mặt trận có lúc, có nơi còn gặp lúng túng, chưa phát huy hết hiệu quả.

Một trong những yếu tố thành công của công tác Mặt trận vùng DTTS đó là công tác phối hợp với chi bộ, trưởng thôn và các tổ chức thành viên trong khu dân cư tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt ở khu dân cư, vận động các hộ gia đình, các đơn vị, tổ chức đóng trên địa bàn tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, thực hiện tốt nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước… Thu thập thông tin phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri và nhân dân, qua đó kịp thời phản ánh với cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ cấp xã xem xét giải quyết thấu đáo, nhất là những vấn đề liên quan tới công tác hòa giải, đền bù, giải phóng mặt bằng… Phối hợp với Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, các nhóm, tổ, đội, câu lạc bộ tổ chức giám sát các công trình do Nhà nước và nhân dân đầu tư xây dựng trên địa bàn, tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ, hạn chế khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, góp phần quan trọng thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư.

Ban Công tác Mặt trận với tư cách là trưởng ban vận động đã làm tốt vai trò chủ trì thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Cuộc vận động “ Ngày vì người nghèo”, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nếp sống văn minh tiến bộ, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan… trong đó, vai trò nòng cốt của các vị trưởng ban công tác Mặt trận được thể hiện rõ nét trong việc tham gia thành lập, soạn thảo quy ước cộng đồng dân cư, phối hợp với bí thư chi bộ và trưởng thôn thống nhất các nội dung hoạt động trên địa bàn thôn, khu phố. Chủ trì họp dân, tổ chức cho nhân dân thảo luận góp ý các nội dung, tiêu chí đưa vào quy ước cộng đồng để nhân dân thực hiện. Chủ trì phối hợp tổ chức các hội nghị cử tri trong các cuộc bầu cử, các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu dân cử…

Tuy nhiên, như đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại như một số nơi vai trò công tác Mặt trận chưa phát huy đúng chức năng, nhiệm vụ, nhiều nơi các thành viên ban công tác Mặt trận trình độ, năng lực còn hạn chế, tuổi cao. Mặt khác, chế độ phụ cấp cho phó ban công tác Mặt trận không có nên cũng chưa thu hút mạnh mẽ các đồng chí nhiệt tình tham gia.

Lâm Đồng là tỉnh Nam Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 976.476 ha; có 148 xã, phường, thị trấn và 1.373 khu dân cư với gần 1,2 triệu dân; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21,7%, đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm 19%, hiện toàn tỉnh còn 1 huyện, 16 xã và 94 thôn nghèo với 34.578 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo DTTS khoảng 18.844 hộ. Như vậy, vai trò công tác Mặt trận trong vùng DTTS càng cần được quan tâm, phát huy hơn bao giờ hết. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần thường xuyên quan tâm lãnh chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Ban công tác Mặt trận hoạt động hiệu quả, đề cao tính chủ động tự quản trong từng cộng đồng dân cư, tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp của già làng, chức sắc, cán bộ hưu trí, người cao tuổi là những người có uy tín để vận động, tuyên truyền tích cực trong nhân dân, tạo sự đồng thuận và đoàn kết cao tại các khu dân cư trong vùng DTTS.
Nguyệt Thu