Nông dân là chủ thể, hạt nhân xây dựng nông thôn mới

04:11, 09/11/2011

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và triển khai trên toàn bộ 118 xã với mục tiêu đến 2015 có 39 xã đạt tiêu chí NTM, đến năm 2020 có 85% số xã đạt tiêu chí NTM.

Hơn 2 năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và triển khai trên toàn bộ 118 xã với mục tiêu đến 2015 có 39 xã (gồm xã Tân Hội, 11 xã điểm của tỉnh và 27 xã ưu tiên) đạt tiêu chí NTM, đến năm 2020 có 85% số xã đạt tiêu chí NTM. Hiện tỉnh đang chuẩn bị tổng kết xây dựng mô hình NTM xã Tân Hội là xã duy nhất trên Tây Nguyên được Trung ương chọn thí điểm. 

Thời gian qua, công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình xây dựng NTM của các ngành, các cấp đã xác định trách nhiệm phải phân tích, lý giải rõ ý nghĩa, vai trò của chương trình, nâng cao nhận thức và niềm tin của nhân dân đối với việc xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới lĩnh vực “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Do vậy, nhận thức và niềm tin của nhân dân ngày càng được củng cố, ý thức làm chủ của nhân dân ngày càng thể hiện rõ nét.

Bên cạnh đó, vấn đề mà công tác tuyên truyền đã quan tâm là phát hiện, phản ánh kịp thời những điển hình, nhân tố mới. Đó là việc người dân tự giác tham gia Chương trình bằng nhiều công việc cụ thể như: chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, các công trình phụ, hố tiêu hủy rác thải… Cuộc sống tinh thần tại nông thôn lành mạnh, văn minh hơn, thắm tình làng nghĩa xóm, các tệ nạn xã hội giảm. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân nâng lên, thu nhập bình quân tăng qua từng năm,tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Tại xã Tân Hội vốn vay tín dụng thực hiện 267,6 tỷ đồng đạt gần 77,8% tổng vốn huy động cao hơn quy định 30%, chủ yếu đầu tư cho sản xuất đã thể hiện rõ quan điểm “Phát huy nội lực từ cộng đồng; nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đây là điển hình đang được nhân rộng. Chủ đề được tuyên truyền một cách có hệ thống phản ánh khá tốt công cuộc xây dựng NTM đã thổi một “luồng sinh khí” giàu sức sống tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn.

Chương trình xây dựng NTM được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa IX (nhiệm kỳ 2011 – 2015) và nghị quyết hàng năm về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, từ tháng 10 – 2011, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức, phát động phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung tay xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, công tác tuyên truyền trong thời gian tới cần xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những vấn đề trọng tâm, lâu dài. Do vậy, cùng với phát hiện, phản ánh kịp thời điển hình, nhân tố mới, những vấn đề bất cập nảy sinh; các cấp và các ngành, các địa phương cần chú trọng công tác tổng kết, tuyên truyền có hiệu quả mục tiêu chương trình theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, chấn chỉnh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước. Xác định rõ người nông dân chính là chủ thể của nông thôn, là hạt nhân để xây dựng NTM; doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia cùng nông dân xây dựng NTM; tất cả các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan cùng có trách nhiệm hướng dẫn xây dựng NTM, không chỉ xem đây là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn. Tăng cường vận động, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác tham gia xây dựng NTM của cả hệ thống chính trị, toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo thành phong trào hành động thiết thực tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp kinh phí để xây dựng NTM theo hướng dựa vào nội lực của cộng đồng địa phương là chính với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước.

BÌNH NGUYÊN