Xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội*

03:11, 27/11/2011

Trích bài phát biểu của đồng chí Huỳnh Đức Hòa – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Lễ Tổng kết Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua “Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”

Trích bài phát biểu của đồng chí Huỳnh Đức Hòa – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Lễ Tổng kết Chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua “Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”
 
Bí thư Tỉnh ủy trong lễ phát động
Bí thư Tỉnh ủy trong lễ phát động

…Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã và đang nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc, trong đó xã Tân Hội- huyện Đức Trọng được chọn là 01 trong 11 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới trong toàn quốc.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương quán triệt sâu sắc, tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ tích cực và đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh. Qua hơn 02 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
 
Đặc biệt, qua triển khai thực hiện thí điểm ở xã Tân Hội, chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu để tiếp tục chỉ đạo thực hiện trên toàn tỉnh trong thời gian tới... Ngoài xã Tân Hội được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước, tỉnh đã chọn 11 xã ở các huyện, thành phố thí điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh và 39 xã đưa vào diện ưu tiên xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2010 - 2015. Các xã còn lại đã có 50% số xã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý, lập đề án, quy hoạch xây dựng...; tuyên truyền, vận động để cán bộ, nhân dân tham gia, từng bước triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau hơn một năm thực hiện, mỗi xã đã đạt được từ 01 đến 03 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Như vậy, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã triển khai trên tất cả 118 xã trong toàn tỉnh, và đạt được kết quả bước đầu, tạo nền tảng để tỉnh nhà tiếp tục xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Kết quả đạt được bắt nguồn từ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước hợp với lòng dân, sự gắn bó và ý thức trách nhiệm cao của người nông dân với nông thôn, với cộng đồng; các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương đã nhận thức được đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình, vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương của Trung ương phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Đặc biệt, có sự đồng thuận, ủng hộ, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, với tinh thần tự lực vươn lên, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh, thực sự là động lực và đã góp phần quan trọng vào những kết quả đó.
 

Nhân dịp này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, tôi trân trọng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thời gian qua trong phong trào xây dựng nông thôn mới; chúc mừng xã Tân Hội cơ bản hoàn thành 18/19 tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới.

Thưa quý vị đại biểu.

Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng xây dựng nông thôn mới ở địa phương, nhưng những kết quả đạt được còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng; nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn yếu kém, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng nông thôn, giữa nông thôn với thành thị còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.

Vì vậy, xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Trung ương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương, là nguyện vọng chính đáng của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay.

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2010 – 2020 với mục tiêu: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, dân chủ, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, an ninh trật tự được giữ vững; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; với các mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2015, có 30% số xã và đến năm 2020 có 84% số xã trong toàn tỉnh đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới”.

Để đạt được các mục tiêu, yêu cầu nêu trên, nhân hội nghị này, thay mặt Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tôi đề nghị:

1- Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa những quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực vươn lên của nông dân, phải xem đây là nội dung, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cả trước mắt và lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa phương.

2- Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp phải có nghị quyết, chương trình hành động để lãnh đạo thực hiện các nội dung về xây dựng nông thôn mới theo sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; phấn đấu thực hiện đạt và vượt mức các chỉ tiêu đề ra trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 – 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành.

Tiếp tục xây dựng và phát triển xã Tân Hội- huyện Đức Trọng lên tầm cao mới, với chất lượng cao hơn, bền vững hơn, làm điển hình để rút kinh nghiệm chỉ đạo ở các địa phương khác trong tỉnh.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả 11 xã điểm ở các huyện, thành phố của tỉnh và 39 xã ưu tiên xây dựng trong giai đoạn 2010 - 2015; đồng thời, có kế hoạch cụ thể từng bước xây dựng nông thôn mới đối với các xã còn lại; vừa tập trung trọng điểm, vừa quan tâm diện rộng để cùng phát triển, thu hẹp dần sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng.

Quá trình tổ chức thực hiện cần quan tâm nhiều đến đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân; đầu tư đúng mức cho khoa học - kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; khuyến khích thu hút đầu tư với nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên, thuận lợi cho nhà đầu tư; thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển toàn diện; thiết lập và duy trì tốt các mối quan hệ, liên kết giữa các nhà sản xuất, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân; giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, giữa sản xuất hàng hóa với xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm.

3- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường công tác vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự hưởng ứng tích cực của người dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới; phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong công tác chăm lo lợi ích thiết thực, cụ thể của từng người dân. Tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước để tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân cho chương trình xây dựng nông thôn mới; gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới với các cuộc vận động cách mạng và các phong trào thi đua yêu nước khác ở địa phương.

4- Đề cao hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở thực sự vững mạnh, từng bước củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, các tổ chức lãnh đạo, điều hành chương trình; phân công, bố trí cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, đảm bảo sâu sát cơ sở, gần gũi với dân để giúp xã, giúp dân xây dựng nông thôn mới; mỗi đoàn thể chính trị phải có kế hoạch và xác định nhiệm vụ cụ thể phục vụ nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân dù ở bất cứ cương vị nào cũng có thể tham gia và tham gia một cách hết sức trách nhiệm với nông dân, nông thôn.

Thưa quý vị đại biểu!

Quán triệt quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X là: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái đất nước, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn và là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để thực hiện được các quan điểm, mục tiêu đó.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà, hướng tới mục tiêu xây dựng địa phương “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đó, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi phát động phong trào thi đua đặc biệt, với chủ đề “Tỉnh Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân các dân tộc tỉnh nhà tích cực hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt này, quyết tâm xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt kết quả cao nhất!
                
* Tít bài do Tòa soạn rút.