Dân chủ xã hội chủ nghĩa trong Cương lĩnh năm 2011

04:12, 07/12/2011

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung phát triển năm 2011) là một văn bản tổng kết khái quát nhất chặng đường lịch sử 80 năm của Đảng, kế thừa tổng kết 25 năm đổi mới cũng như tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, trong đó đánh giá những thành tựu đã đạt được mà phát triển và hoàn thiện Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một nội dung quan trọng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung phát triển năm 2011) là một văn bản tổng kết khái quát nhất chặng đường lịch sử 80 năm của Đảng, kế thừa tổng kết 25 năm đổi mới cũng như tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, trong đó đánh giá những thành tựu đã đạt được mà phát triển và hoàn thiện Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một nội dung quan trọng.

Nói đến Dân chủ XHCN thì trước hết Cương lĩnh năm 2011 khẳng định một trong những thành quả do các thắng lợi vĩ đại mà cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được là “Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội”. Nhân dân ta đã thật sự làm chủ từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược và nhất là từ thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Khi nói đến quá độ lên CNXH ở nước ta thì Cương lĩnh năm 2011 đã đưa ra những nhận định về đặc điểm, xu thế chung trong đó có “Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu thế lớn…” và  “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội” cũng chính là xác định Dân chủ chính là mục tiêu chung của nhân loại, trong đó có Dân chủ XHCN mà chúng ta đang thực hiện theo sự khẳng định của Cương lĩnh năm 2011 là: ”Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” đúng như V.I. Lênin đã từng hình dung rằng phát triển dân chủ đến cùng sẽ tiến tới CNXH.

Dân chủ XHCN đã được Cương lĩnh năm 2011 nêu ra một cách cụ thể trong mô hình và các phương hướng cơ bản trong đó mô hình xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng được xác định là một xã hội có 8 đặc trưng cơ bản mà đặc trưng thứ nhất “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là đặc trưng bao trùm, tổng quát và còn được bổ sung thêm bằng các đặc trưng: “Do nhân dân làm chủ” và “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Ở đây, điểm mới so với Đại hội X của Đảng ta là Cương lĩnh năm 2011 đã chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng” bởi vì, cả lý luận và thực tiễn đều chỉ rõ dân chủ là điều kiện, tiền đề của công bằng, văn minh; đồng thời, để nhấn mạnh bản chất của xã hội ta là xã hội dân chủ theo đúng Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Để có được các đặc trưng đó, Cương lĩnh năm 2011 đã chỉ rõ: Toàn Đảng, toàn dân ta cần nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng và trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quán triệt và thực hiện tốt 8 phương hướng cơ bản, trong đó có việc “Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất” cũng như phải nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong đó có mối quan hệ truyền thống: “Giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Còn khi đề cập đến những định hướng lớn về phát triển thì về kinh tế Cương lĩnh năm 2011 có rất nhiều điểm bổ sung, phát triển: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối… nhưng đồng thời cần nêu rõ vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh cũng như phải “Bảo đảm mọi tư liệu sản xuất đều có người làm chủ, mọi đơn vị kinh doanh đều tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình”.

Và trong định hướng lớn về phát triển văn hóa, xã hội thì bên cạnh việc “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng” thì phải đảm bảo cho đời sống văn hóa “thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” bằng cách kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại và mục tiêu quan trọng là xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Còn về con người, Cương lĩnh năm 2011 khẳng định “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” cũng chính là để nêu cao vai trò động lực mạnh mẽ của Dân chủ XHCN.

Đặc biệt là Cương lĩnh năm 2011 đã đưa Dân chủ XHCN thành nội dung thứ nhất của phần thứ tư về hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng trong đó khẳng định “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước và “Xác định nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện” bởi lẽ Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân mà tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Còn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên, thực hiện dân chủ, xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, thắt chặt mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Điều đáng nói là ngay cách diễn đạt về bản chất của Đảng mà Đại hội X thông qua và Cương lĩnh năm 2011 đã bổ sung và phát triển là “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc” là cũng để nói lên tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ta. Còn khi nói về nền tảng tư tưởng của Đảng, Cương lĩnh năm 2011 tiếp tục khẳng định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” mà Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng của Người về Dân chủ cũng như về thực hành Dân chủ.

Tiếp tục thực hiện Dân chủ XHCN trong xã hội và thực hành dân chủ trong Đảng hiện nay đang là vấn đề cần chú trọng để Dân chủ XHCN thật sự phát huy vai trò của mình là thành quả đấu tranh cách mạng và cũng chính là động lực mạnh mẽ để xây dựng nước nhà nhất định trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc như Cương lĩnh năm 2011 đã khẳng định.

BÙI THANH LONG