Tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng đạt kết quả khá toàn diện

04:01, 08/01/2012

Ngày 6/1/2012, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 đã được tổ chức nhằm kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy năm 2011 và đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2012.

Ngày 6/1/2012, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 đã được tổ chức nhằm kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy năm 2011 và đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2012. Đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Hội nghị đã nghe các báo cáo, đóng góp ý kiến và cơ bản thống nhất cao một số đánh giá cơ bản sau.

Đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị
Đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị

Năm 2011 là năm có nhiều sự kiện lớn như tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; là năm Lâm Đồng tổ chức Festival Hoa lần thứ IV, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, trong điều kiện các chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, cắt giảm đầu tư công để chống lạm phát, nên hạn chế rất lớn các nguồn lực đầu tư cho phát triển...

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, năm 2011, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế làm việc, Chương trình công tác toàn khóa của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, xác định cụ thể những nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo và thông qua hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các đồng chí Tỉnh ủy viên để tổ chức thực hiện và đạt kết quả khá toàn diện.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết của Tỉnh ủy; kiểm tra các ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện, kết quả cụ thể như sau:

TRÊN LĨNH VỰC KINH TẾ - XÃ HỘI:

- Lãnh đạo, chỉ đạo về quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và các địa bàn trọng điểm. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc vận dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước; về những chủ trương huy động các nguồn lực, vốn để đầu tư phát triển; về chủ trương đầu tư những dự án quan trọng, sử dụng nhiều đất hoặc có ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều đối tượng xã hội, đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên địa bàn.

- Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện 5 khâu đột phá và 16 công trình trọng điểm. Trong đó, chú trọng phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị; về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; về xây dựng các khu công nghiệp, các khu, điểm du lịch. Chỉ đạo rà soát tất cả các dự án đã có chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh, qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án; đồng thời, chỉ đạo thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ, để lấn chiếm đất rừng, phá rừng.

Bên cạnh việc lãnh đạo phát triển kinh tế, đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao và bảo trợ xã hội... Tiếp tục thực hiện việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án đầu tư của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư trên từng địa bàn; thực hiện tốt các chính sách xã hội, giải quyết cơ bản các vấn đề bức xúc về đất sản xuất, nhà ở, điện sinh hoạt, việc làm, giảm nghèo... Tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện Đam Rông; đồng thời, vận dụng Nghị quyết 30a đối với các xã và thôn có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên. Tổng kết xây dựng điểm mô hình nông thôn mới xã Tân Hội huyện Đức Trọng và tổ chức lễ phát động toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh. Lãnh đạo tổ chức Festival Hoa lần thứ IV thành công.

Với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt những vấn đề chủ yếu nêu trên đã phát huy được nội lực, thu hút các nhà đầu tư đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển đúng hướng, có hiệu quả. Phần lớn các chỉ tiêu kinh tế đều xấp xỉ đạt, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch. Bảo đảm an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,5% so với cùng kỳ; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt.

VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ:

- Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đặt trọng tâm của công tác xây dựng hệ thống chính trị là bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ và tạo sự đồng thuận xã hội; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

- Chú trọng lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng của Đảng bộ, kịp thời tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, nghiên cứu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh. Việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết được đổi mới phù hợp với các đối tượng, gắn vận dụng, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động sát hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường ý thức đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Quan tâm lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn, đảm bảo cho tổ chức cơ sở Đảng thật sự là hạt nhân chính trị, đủ sức lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà nghị quyết của cấp ủy đã đề ra.

- Tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức kiểm tra tương đối toàn diện, đặc biệt đã tập trung kiểm tra thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh sai sót, tiêu cực; kịp thời xem xét, xác minh, kết luận, giải quyết các đơn thư tố cáo có liên quan đến cán bộ, đảng viên, bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật của Đảng. Tập trung kiểm tra giám sát, giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại có liên quan đến nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

- Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện công tác xây dựng Đảng. Ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, nhiệm kỳ 2010-2015. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các cấp, các ngành; xác minh, kết luận lịch sử chính trị của cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Mạnh dạn luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý để đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện các nhiệm vụ khác về công tác tổ chức, cán bộ theo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và quy định của Trung ương. Năm 2011, nhiều tổ chức cơ sở Đảng đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển đảng viên, khắc phục cơ bản tình trạng thôn, khu phố (tổ dân phố), đơn vị sự nghiệp không có đảng viên, không có tổ chức Đảng.

Ban hành chỉ thị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Định hướng bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, tỷ lệ Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham gia đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu HĐND tỉnh; thực hiện quy trình báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư danh sách giới thiệu nhân sự Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Lãnh đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 thành công.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Kế hoạch số 17-KH/TU về việc tiếp tục thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2011, đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào nội dung, chương trình công tác của cấp ủy, tổ chức Đảng, gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ.

- Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng và chính quyền các cấp, ban hành Quy chế về công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh; chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội chăm lo kiện toàn tổ chức, tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư; chú trọng đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên. Cho ý kiến về định hướng nhân sự đại hội, giới thiệu nhân sự cấp trưởng, cấp phó để các đoàn thể tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2011-2016.

- Chỉ đạo sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, từ đó bổ sung, điều chỉnh lại nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả hơn.

Qua một số nhiệm vụ nổi bật trong năm 2011, có thể rút ra những nguyên nhân những ưu điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy là:

- Tỉnh ủy, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy đã xác định nhiệm vụ đúng trọng tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt; xây dựng quy chế cụ thể, phân công, phân nhiệm rõ ràng, phân cấp mạnh cho cấp dưới, tổ chức thực hiện nghiêm quy chế làm việc.

- Nội bộ các cấp ủy Đảng đoàn kết thống nhất cao, tạo được sự đồng thuận xã hội trong việc đề ra và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã lãnh đạo Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân và Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX để tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ.

- Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng và tăng cường, đặc biệt là kiểm tra tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết, qua đó đã kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những thiếu sót, hạn chế; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên.

BÌNH NGUYÊN (tổng hợp)