Ngành tuyên giáo tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng và đồng thuận xã hội

05:01, 12/01/2012

Trước thềm Xuân Nhâm Thìn 2012, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Đức Quận - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về công tác tuyên giáo của tỉnh nhà trong năm qua và một số định hướng trong năm 2012.

Năm 2011, cùng với sự phát triển chung của đất nước, tỉnh Lâm Đồng có những chuyển biến tích cực trên một số mặt. Những kết quả đạt được chủ yếu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong năm 2011 là những yếu tố rất quan trọng, có tác động tích cực, mạnh mẽ đến tình hình tư tưởng và công tác tư tưởng của Đảng. Trước thềm Xuân Nhâm Thìn 2012, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Đức Quận - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về công tác tuyên giáo của tỉnh nhà trong năm qua và một số định hướng trong năm 2012.  

Đ/c Nguyễn Đức Quận - UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải Nhất giải Báo chí Lâm Đồng năm 2011 cho nhóm tác giả Báo Lâm Đồng
Đ/c Nguyễn Đức Quận - UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải Nhất giải Báo chí Lâm Đồng năm 2011 cho nhóm tác giả Báo Lâm Đồng

PV: Năm 2011 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, Lâm Đồng; đồng thời cũng là năm tình hình KT - XH nói chung gặp nhiều khó khăn, vậy Ban Tuyên giáo đã làm tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy như thế nào, thưa đồng chí Trưởng ban?

Đ/C Trần Đức Quận: Năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động, tập trung nắm tình hình tư tưởng và tâm trạng xã hội thông qua các ngày kỷ niệm, các sự kiện lớn của đất nước và địa phương; qua đó, kịp thời định hướng dư luận xã hội và tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề nảy sinh, góp phần bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; trong năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức được 02 cuộc điều tra về dư luận xã hội, qua đó cho thấy đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và các giải pháp của Trung ương, của Tỉnh về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã được triển khai đồng bộ, từng bước đổi mới cách truyền đạt, gắn với việc xây dựng chương trình hành động. Đến nay, toàn tỉnh hiện đã tổ chức được 429 lớp với 50.832 lượt người tham gia học tập Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, trong đó có 29.329 đảng viên; 430 lớp với 53.489 lượt người tham gia học tập Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, trong đó có 28.594 đảng viên.

Ban Tuyên giáo đã kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, tiếp tục triển khai Cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngay từ đầu năm 2011; sau khi có Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tiếp tục tham mưu ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; qua đó thành lập bộ phận giúp việc, bộ phận chuyên trách, xây dựng quy chế hoạt động và hướng dẫn các Đảng bộ triển khai thực hiện. Có thể khẳng định rằng việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong năm 2011 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tạo được những chuyển biến thực sự trong toàn xã hội. Cấp ủy các cấp chỉ đạo thường xuyên và mang tính toàn diện, từ đó ngày càng tạo được những chuyển biến quan trọng; trọng tâm là rà soát việc xây dựng những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng và tấm gương của Bác phù hợp với đặc điểm của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; xác định rõ trách nhiệm, gương mẫu của cấp ủy và người đứng đầu các cấp, của cán bộ, đảng viên; duy trì đều đặn việc chào cờ và sinh hoạt tư tưởng, chính trị, kể những câu chuyện, tìm hiểu những bài viết về tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh dưới cờ vào sáng thứ 2 đầu tuần. Việc học tập, đặc biệt là việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách lề lối làm việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các phong trào khác được triển khai đồng bộ; từ đó đã tác động tích cực đến tình hình kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương.

Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiện toàn Ban chỉ đạo 94 trên cơ sở hợp nhất giữa Ban chỉ đạo 94 và Ban chỉ đạo Đề án 213 về tăng cường đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa và đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học-nghệ thuật. Đến nay, các huyện, thành phố và các Đảng ủy trực thuộc đã thành lập Ban chỉ đạo 94, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, văn học-nghệ thuật được tăng cường.

Trung tâm thông tin Công tác Tuyên giáo được thành lập vào tháng 9 năm 2010, bước đầu có cố gắng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng Bản tin Thông báo nội bộ, góp phần định hướng hoạt động sinh hoạt chi bộ; kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên Tỉnh ủy theo tinh thần Chỉ thị 17-CT/TW ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về việc “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”; đồng thời cung cấp thông tin thời sự chính trị trong nước và quốc tế cho đội ngũ Báo cáo viên tỉnh ủy kịp thời, có tính định hướng cao.

Nhìn chung, năm 2011, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy trên các lĩnh vực tư tưởng và tuyên giáo; đồng thời trực tiếp giúp cấp ủy hướng dẫn tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh trên lĩnh vực Tuyên giáo, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX một cách kịp thời, nghiêm túc, phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

PV: - Đồng chí có nhận xét gì về công tác xây dựng tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo?

Đ/C Trần Đức Quận: - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy và biên chế cho Ban Tuyên giáo tỉnh và cấp huyện. Vì vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo từ tỉnh đến huyện tiếp tục được củng cố, bổ sung về số lượng theo hướng trẻ hóa, đặc biệt là ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Hiện nay, toàn tỉnh có 71 cán bộ, công chức, trong đó cán bộ cấp tỉnh là 27 người, cấp huyện là 44 người. Phần lớn cán bộ làm công tác tuyên giáo cơ bản được đào tạo trình độ đại học và trên đại học về một lĩnh vực chuyên môn, có trình độ lý luận từ trung cấp trở lên; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt và thực tiễn công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau nên cơ bản đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

PV: - Từ những mặt làm được và hạn chế trong năm 2011, đồng chí có thể đánh giá chung và rút ra bài học kinh nghiệm gì?

Đ/C Trần Đức Quận: Trong năm 2011, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hoàn thành tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên lĩnh vực Tuyên giáo, Tư tưởng-Văn hóa; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành Tuyên giáo, qua đó góp phần tạo những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên việc tham mưu cho Tỉnh ủy trên một số mặt vẫn còn những hạn chế nhất định, chất lượng một số văn bản tham mưu chưa cao; công tác dự báo tình hình, nắm bắt dư luận, tâm trạng xã hội để định hướng tư tưởng thiếu kịp thời và còn nhiều lúng túng. Việc triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng còn những hạn chế nhất định, chưa thật sự đổi mới mạnh mẽ; việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các chỉ thị, nghị quyết ở cơ sở chưa thường xuyên, sâu sát; việc sơ kết, tổng kết có lúc có nơi còn mang tính hình thức, chưa tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề thực tiễn địa phương đặt ra. Công tác tuyên truyền thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao, việc đổi mới nội dung, phương pháp còn lúng túng, chưa phát huy đồng bộ các kênh, nhất là công tác tuyên truyền miệng.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc… trong cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được quan tâm đúng mức. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng tuy có nhiều địa phương, đơn vị triển khai, nhưng chất lượng chưa cao; đội ngũ làm công tác này còn mỏng, thiếu trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, biên soạn. Đội ngũ làm công tác tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở vẫn còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về chất lượng; việc củng cố, bổ sung nguồn cán bộ có trình độ, năng lực gặp nhiều khó khăn.

Từ đó, chúng tôi đúc rút một số kinh nghiệm như sau:

1. Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác Tuyên giáo, công tác tư tưởng, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng và đồng thuận xã hội.

2. Công tác Tuyên giáo phải tập trung hướng về cơ sở, nhất là những nơi xảy ra các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, qua đó nắm tình hình tư tưởng và định hướng dư luận xã hội. Tổ chức định kỳ các hội nghị giao ban để tăng cường đối thoại, thảo luận dân chủ rộng rãi trước những vấn đề thực tiễn đặt ra; từ đó chủ động tham mưu cho cấp ủy đề ra các nhiệm vụ, giải pháp giải quyết có hiệu quả.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phối hợp chặt chẽ các binh chủng tuyên truyền và các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền.

4. Luôn coi trọng, quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác Tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở; qua đó, tạo nguồn cán bộ kế cận có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực thực tiễn; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi để cán bộ tuyên giáo yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

PV: - Phát huy thành quả năm 2011, đề nghị Trưởng ban cho biết một số phương hướng, nhiệm vụ cơ bản của công tác Tuyên giáo năm 2012?

Đ/C Trần Đức Quận: - Trước hết, Ban Tuyên giáo sẽ tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh.

Tập trung định hướng và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các lĩnh vực, qua đó tạo được sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận xã hội trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đổi mới nội dung, phương thức công tác Tuyên giáo theo hướng chủ động, thiết thực và hiệu quả. Nội dung, hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, đúng đối tượng, hướng về cơ sở. Phát huy thế mạnh của các kênh tuyên truyền, nâng cao chất lượng thông tin báo chí, đổi mới, nâng cao chất lượng các hội nghị giao ban báo chí hàng tháng, đảm bảo định hướng hoạt động báo chí trên địa bàn.

Đẩy mạnh tuyên truyền các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đặc biệt là tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh xã hội”; Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2012; phối kết hợp các binh chủng tập trung tuyên truyền về biển, đảo.

Triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với tổ chức học tập và triển khai chủ đề năm 2012 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”. Tiếp tục triển khai và tăng cường kiểm tra việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực và có sức lan tỏa sâu rộng, coi trọng biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị…

Và một vấn đề quan trọng cần quan tâm là phải tăng cường công tác dự báo, nắm bắt dư luận xã hội, chú ý đến những lĩnh vực, địa bàn phức tạp, nhạy cảm, nhằm đảm bảo phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội; góp phần giải quyết kịp thời, chính xác, có hiệu quả các vấn đề đặt ra, nhất là những bức xúc, nổi cộm trong nhân dân; ngăn chặn ngay từ đầu những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để xảy ra “điểm nóng”. Thực hiện giao ban an ninh tư tưởng theo định kỳ…

PV: - Xin cảm ơn đồng chí và chúc năm 2012 ngành Tuyên giáo Lâm Đồng tiếp tục góp phần xứng đáng vào công cuộc đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững!

HỒ LAN (Thực hiện)