Góp ý cho 3 Dự án luật quan trọng

03:02, 12/02/2012

Ngày 10/2, tại TP Đà Lạt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Ngày 10/2, tại TP Đà Lạt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Hội thảo do ông Nguyễn Bá Thuyền - Phó trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh chủ trì, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Sở KH&CN và các thành viên trong Tổ Tư vấn pháp luật Đoàn ĐBQH tỉnh.

Đại biểu góp ý cho Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền
Đại biểu góp ý cho Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có tất cả 10 chương, 83 điều qui định rõ về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả do tác hại do nước gây ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam... Dự Luật này cũng quy định rất cụ thể về các chính sách của Nhà nước đối với tài nguyên nước; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về tài nguyên nước; tài chính cũng như quan hệ quốc tế về tài nguyên nước.     
 
Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều thống nhất cao với tên gọi của Dự án luật cũng như nội dung của các điều luật trong Dự án, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến có giá trị trong việc bổ sung, chỉnh sửa một số thuật ngữ cho các điều luật để Dự án Luật Tài nguyên nước sau khi được Quốc hội thông qua sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.  

Trước đó, ngày 9/2, cũng tại TP Đà Lạt, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lâm Đồng và các NHTM, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức hội thảo góp ý cho 2 dự thảo Dự án Luật Phòng chống rửa tiền và Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Đối với Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (có 5 chương, 50 điều), qui định rõ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, biện pháp, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và hợp tác quốc tế trong việc phòng chống rửa tiền. Góp ý tại hội thảo, các ý kiến đều thống nhất với bố cục cũng như nội dung của dự thảo của Dự án luật này; đồng thời tập trung góp ý một số vấn đề chính như qui định trong việc tiết lộ thông tin báo cáo đối với những giao dịch đáng ngờ. Bổ sung thêm cụm từ tài trợ tài chính, tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền; cần qui định cụ thể mức giao dịch có giá trị lớn là bao nhiêu; bổ sung thêm qui định về giao dịch đáng ngờ, cần giao cho các tổ chức tín dụng xây dựng qui định nhận biết về giao dịch đáng ngờ theo đặc thù của từng vùng miền, khu vực. Cùng với việc thống nhất đặt cơ quan phòng chống rửa tiền thuộc ngân hàng Nhà nước, các ý kiến cho rằng cũng cần phải qui định rõ trách nhiệm của các cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật đối với cơ quan phòng chống rửa tiền và qui định rõ về những hành vi rửa tiền.

Đối với Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi (có 7 chương, 39 điều), ý kiến đóng góp tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung góp ý các nội dung về đối tượng áp dụng của Luật, quyền, nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, quản lý Nhà nước về Bảo hiểm tiền gửi; mô hình tổ chức Bảo hiểm tiền gửi, mô hình hoạt động, chức năng giám sát của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi, loại tiền gửi được bảo hiểm, phí bảo hiểm tiền gửi, hạn mức trả tiền bảo hiểm và công tác thanh tra, khiếu nại về bảo hiểm tiền gửi...

Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tổng hợp và sẽ trình kỳ họp sắp tới để Quốc hội xem xét, thông qua đối với 3 dự án Luật trên.

THỤY TRANG