Bố trí cán bộ có tâm, có tầm vào vị trí lãnh đạo để hoàn thành tốt trọng trách được giao

04:02, 16/02/2012

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

“Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH TW (khóa XI) vừa là vấn đề cấp bách, vừa là giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng thực sự là một nội dung mong đợi, thu hút mối quan tâm, đồng tình ủng hộ của cán bộ, đồng bào và chiến sĩ cả nước. Đối với cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, ai cũng biết vai trò, vị trí của người cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ quyết định mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Cán bộ giữ cương vị càng cao, trọng trách càng nặng nề thì tâm huyết càng phải tôn chỉ mục đích cống hiến cho Đảng, cho dân, đồng thời phải có tầm nhìn rộng mở, tư duy điều hành hiện tại, dự báo tương lai một cách khoa học, biện chứng, khả năng nhận biết xu thế phát triển, hội nhập trên mọi lĩnh vực, từ đó đưa ra những định hướng mang tính chiến lược, trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa lý luận với thực tiễn phù hợp từng ngành, từng địa phương thuộc phạm vi quản lý, phụ trách.

Các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế, qua thực tiễn cách mạng của mình đều khẳng định vai trò quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ. Hồ Chủ tịch khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Sinh thời, Người rất quan tâm việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ, nhất là vào những lúc cách mạng có sự chuyển giai đoạn, với quan điểm nhất quán Đảng phải “nuôi dạy cán bộ” giống như người làm vườn vun trồng cây quý. Trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc về chính đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cấp ủy của các cấp. Người nhắc nhở người cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ tổ chức phải dùng người có tài năng, làm được việc, không được lợi dụng kéo bè kéo cánh, không gièm pha những người có tài năng hơn mình vì sợ mất ghế v.v… Trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân những lời dạy bảo ân cần, đó là bản Di chúc vô cùng quý giá, trong đó có đoạn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Trên cơ sở Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, Đảng ta đã xây dựng được một lực lượng cán bộ, đảng viên hùng hậu, đáp ứng kịp thời yêu cầu lãnh đạo cách mạng trong từng thời kỳ cụ thể. Ngay bước vào công cuộc đổi mới, từ Đại hội VI của Đảng đã nêu những quan điểm cơ bản về cán bộ và công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sau đó được Đại hội VII, VIII, IX, X và XI kế thừa, phát triển. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh: “Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Không bổ nhiệm cán bộ không đủ đức, đủ tài, cơ hội chủ nghĩa. Thực hiện nghiêm quy chế thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút. Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy huân chương”. Như vậy, định hướng về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã được Đảng, Bác Hồ đặc biệt quan tâm trong suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là cần làm rõ nguyên nhân vì sao qua công tác thanh tra, kiểm tra, một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn tồn tại tình trạng cán bộ, đảng viên giữ các chức vụ chủ chốt vi phạm nghiêm trọng về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng lãng phí, để lại những hậu quả xấu cho xã hội, gây thất thoát tài sản lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân? Có thể kết luận, nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ khâu quy hoạch, tuyển lựa nguồn, cuối cùng là đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa thực sự sâu sát. Ở nước ta, rất ít trường hợp cán bộ khi được bổ nhiệm vào chức vụ nào đó thành thật từ chối vì lý do vượt quá năng lực của bản thân, nghĩa là không dám đảm đương khi nhận thấy “tâm” và “tầm” của mình không thể gánh vác trọng trách được giao. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng và thực hiện Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức thiếu chiều sâu, nhiều nơi, nhiều lúc tiến hành sơ sài, làm cho đủ thủ tục báo cáo hàng quý, hàng năm, nhưng khi phát hiện cán bộ, đảng viên sai phạm, phải xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người liên quan đến công tác quản lý, điều hành, sử dụng trực tiếp cán bộ đó chẳng phải chịu trách nhiệm gì, chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm là xong.

Từ thực tế của những bất cập về đội ngũ cán bộ trong những năm qua, để thực hiện tốt Nghị quyết hội nghị lần thứ tư BCH TW (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, chúng ta cần coi trọng đặc biệt đến công tác quy hoạch “nguồn” nhân lực lãnh đạo, quản lý kế cận một cách khách quan, công tâm bố trí kết hợp hài hòa giữa nhận thức lý luận với kiến thức thực tế, lấy yếu tố phẩm chất, bản lĩnh chính trị làm gốc, động cơ cống hiến và năng lực tư duy hành động dẫn đầu - phương châm xuyên suốt là sử dụng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm xứng đáng vào trụ cột hệ thống chính trị. Mạnh dạn sàng lọc lại đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Với sự đồng tâm thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, chắc chắn chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ ngày càng thu được kết quả tốt đẹp, làm cho pho sử bằng vàng của Đảng ngày càng phong phú, chói lọi, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT