Thường trực Tỉnh ủy làm việc về chuyển đổi mô hình quản lý của các trung tâm bồi dưỡng chính trị

04:02, 15/02/2012

Sáng 14/2/2012, Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Trường Chính trị tỉnh, lãnh đạo trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) các huyện, TP Đà Lạt - Bảo Lộc về chuyển đổi mô hình quản lý của các TTBDCT.

Sáng 14/2/2012, Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Trường Chính trị tỉnh, lãnh đạo trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) các huyện, TP Đà Lạt - Bảo Lộc về chuyển đổi mô hình quản lý của các TTBDCT.

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW(2008), Quyết định 1853/QĐ9BTGTW(2009) và Thông tư hướng dẫn 01 ngày 24/1/2010 của Ban Tổ chức - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, toàn tỉnh đã có 6/12 TTBDCT các huyện, TP Đà Lạt - Bảo Lộc tiến hành chuyển đổi cơ chế quản lý từ khối Đảng sang khối Nhà nước theo mô hình: Đảng quản lý tổ chức biên chế, định hướng hoạt động; Nhà nước quản lý tài chính. Qua một năm hoạt động theo mô hình mới, tuy các TTBDCT đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo lý luận sơ cấp, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng hoạt động của cán bộ cơ sở tại địa phương với số lượng 1.935 lớp/180.134 học viên. Nhưng do chưa có sự thống nhất trong cơ chế, phương thức chuyển đổi, nên các TTBDCT gặp phải một số khó khăn trong hoạt động: Cơ sở vật chất xuống cấp, còn bất cập giữa định biên và tiền lương, chế độ tiền lương, tiền phụ cấp thêm giờ cho cán bộ, giáo viên, giảng viên thính giảng chưa thỏa đáng, chưa đúng quy định của Nhà nước... Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các Ban Đảng, các sở, ngành, các TTBDCT, đồng chí Hoàng Sĩ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kết luận: Việc chuyển đổi mô hình quản lý của các TTBDCT là một chủ trương đúng đắn của Đảng - Nhà nước. Vì vậy, đối với Lâm Đồng cần phải hoàn thiện việc chuyển đổi mô hình quản lý các TTBDCT vào thời điểm 30/3/2012. Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các huyện, TP, các ngành chức năng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các TTBDCT để đảm bảo hoạt động đạt kết quả theo yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phải đảm bảo đúng nguyên tắc tiết kiệm, đúng quy hoạch, đúng công năng hoạt động. Định biên của các TTBDCT 6 người/TT, theo đó cũng sẽ thực hiện cơ chế khoán quỹ lương, các TT chủ động cân đối giữa quỹ lương và số cán bộ, giáo viên, nhân viên biên chế, hợp đồng để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Mặt khác, trước mắt cho phép chuyển ngạch từ chuyên viên sang giáo viên đối với một số cán bộ, giáo viên còn thiếu các văn bằng, chứng chỉ để được hưởng phụ cấp 30%, nhưng chỉ được “nợ” trong một thời gian nhất định, sau đó phải chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Nhà nước. Các Ban của Đảng, các sở, ngành chức năng của tỉnh, của huyện, TP cần phối hợp, giúp đỡ các TTBDCT trên mọi phương diện, từ định hướng phương thức, nội dung hoạt động, đến đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng chương trình giảng dạy, khung vượt giờ/năm, chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho giáo viên, học viên, đặc biệt là các học viên không được hưởng lương ở cơ sở. Trường Chính trị tỉnh cần xây dựng mối quan hệ giúp đỡ, hỗ trợ các TTBDCT trên lĩnh vực nghiệp vụ, bằng việc hàng năm mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy, đào tạo chuyên môn; lý luận chính trị cho cán bộ, giáo viên của các TTBDCT.

HOÀNG KIẾN GIANG