Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải gắn với nhiệm vụ chính trị

02:03, 18/03/2012

Đồng chí Hà Phước Toản - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trả lời phóng vấn Báo Lâm Đồng.

LTS: NĂM 2011 LÀ NĂM ĐẦU TIÊN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ IX VÀ CŨNG LÀ NĂM ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN NHƯNG VỚI SỰ NỖ LỰC, PHẤN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC TRONG TỈNH NÊN TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KT - XH, AN NINH - QUỐC PHÒNG, XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CỦA LÂM ĐỒNG ĐẠT KẾT QUẢ KHÁ TOÀN DIỆN. ĐÂY LÀ NHỮNG THUẬN LỢI CƠ BẢN TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC ĐẾN KẾT QUẢ XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN. ĐỒNG CHÍ HÀ PHƯỚC TOẢN - UVBTV, TRƯỞNG BAN DÂN VẬN TỈNH ỦY KIÊM PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ (QCDCOCS) ĐÃ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO LÂM ĐỒNG VỀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC NÀY.

PV: Thưa đồng chí để tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 65 - KL/TW, ngày 4/ 3/ 2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hiện QCDCOCS, Lâm Đồng đã có các bước triển khai như thế nào?

Đ/C HÀ PHƯỚC TOẢN: Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 65 - KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa nội dung lãnh đạo thực hiện công tác dân vận của chính quyền và thực hiện QCDCOCS vào Nghị quyết về phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Tỉnh ủy hàng năm để lãnh đạo thực hiện. Trong chỉ đạo thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy chế đã ban hành cho phù hợp với nội dung Kết luận của Ban Bí thư và của Tỉnh ủy. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở; kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương khi có thay đổi nhân sự.
 

Đ/c Hà Phước Toản - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy trao tặng bằng khen cho các điển hình tiên tiến trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ảnh: N.M
Đ/c Hà Phước Toản - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy trao tặng bằng khen cho các điển hình tiên tiến trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ảnh: N.M

Đến nay, hầu hết Ban Chỉ đạo ở 12 huyện, thành phố và 148/148 xã, phường, thị trấn được củng cố, kiện toàn đúng thành phần, đủ số lượng theo hướng dẫn của Trung ương… Về phía UBND tỉnh, ngay từ đầu năm 2011 đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện và thành phố tăng cường phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhất là các luật liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Năm 2011, tập trung tuyên truyền luật bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, nhằm nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ công dân trong tham gia xây dựng nhà nước; gắn thực hiện QCDC với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện cải cách hành chính, chấn chỉnh tác phong và lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp theo phương châm “Trọng dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Đối với công tác chỉ đạo học tập và tuyên truyền về QCDC, hầu hết các cấp ủy Đảng, thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới tiếp tục tổ chức học tập, tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng các Chỉ thị của Trung ương, Kết luận số 65-KL/TW, Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở phường, xã, thị trấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Nghị định của Chính phủ.

Qua các đợt học tập, quán triệt, tuyên truyền, đến nay phần lớn cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân về cơ bản đã hiểu được quyền và nghĩa vụ thực hiện dân chủ của mình. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về cơ bản đã xác định trách nhiệm pháp lý của bản thân trong thực hiện QCDC, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, công chức và người lao động trong thi hành công vụ và sinh hoạt cộng đồng. Thực tế cho thấy, tỷ lệ hộ dân được tuyên truyền Pháp lệnh 34 đạt trên 60%, người lao động trong các doanh nghiệp học tập Nghị định 87 đạt gần 70% và 95% số cán bộ, công chức được học tập Nghị định 71 của Chính phủ.

PV: Vậy kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở được đánh giá như thế nào?

Đ/C HÀ PHƯỚC TOẢN: Trước hết phải khẳng định: Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương về lãnh đạo và thực hiện QCDCOCS ngày càng được nâng lên, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn. Từ đó chỉ đạo đẩy mạnh học tập, quán triệt, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương về QCDC; xây dựng chương trình, kế hoạch để lãnh đạo thực hiện. Việc thực hiện QCDCOCS ngày càng đi vào nề nếp, bài bản hơn; kết quả thực hiện phản ánh thực chất, giảm hình thức. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân giám sát” được các cấp chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Quyền làm chủ của nhân dân, cán bộ, công chức và người lao động ở cơ sở được phát huy. Đồng thời vai trò tự quản của nhân dân ở khu dân cư được nâng lên, huy động được nhiều nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng. Công tác hòa giải ở cơ sở được duy trì, giải quyết kịp thời những vướng mắc, bất hòa trong cộng đồng dân cư; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được củng cố. Và một kết quả đáng ghi nhận nữa là sự phối hợp giữa Mặt trận, đoàn thể với chính quyền ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; đã tạo nên sự đoàn kết, thống nhất và trở thành một trong những yếu tố quan trọng có tính chất quyết định để thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương.  

PV: Thế còn những mặt hạn chế, thưa đồng chí?

Đ/C HÀ PHƯỚC TOẢN: Tuy đạt một số kết quả đáng mừng nhưng việc thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh nhà vẫn bộc lộ một số yếu kém như: Công tác lãnh, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện các Chỉ thị, Kết luận của Trung ương và của tỉnh ở một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm, chưa kịp thời và chưa kỹ; hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, chưa sâu, rộng và chưa thường xuyên. Kết quả thực hiện quy chế tuy có tốt hơn song nhiều nội dung chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Việc thực hiện công khai, dân chủ trên một số lĩnh vực cần phải công khai dân chủ chưa thực hiện tốt; nhất là trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư còn quan liêu, hành chính hóa, chưa coi trọng tuyên truyền, giải thích cho dân. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi nhất là ở một số cán bộ, nhân viên của các sở, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, đã làm ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền các cấp, làm hạn chế  công tác thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.  

PV: Đồng chí cho biết một vài nhiệm vụ trọng tâm của việc thực hiện QCDCOCS trong thời gian tới?

Đ/C HÀ PHƯỚC TOẢN: Trong thời gian tới, các cấp, các ngành tập trung tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện QCDC trong tất cả các loại hình cơ sở; khắc phục những hạn chế, yếu kém, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KT - XH và chính trị của năm 2012 và những năm tiếp theo, có nhiều việc phải làm nhưng theo Ban Chỉ đạo tỉnh có một số nhiệm vụ trọng tâm là: Thực hiện QCDC ở cơ sở phải gắn với nhiệm vụ chính trị, nhất là gắn việc triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa XI ) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” mà Tỉnh ủy đang tập trung chỉ đạo; đồng thời, thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Thực hiện công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhân dân góp ý xây dựng Đảng, công tác quản lý hành chính Nhà nước, tham gia góp ý xây dựng các kế hoạch, định hướng phát triển KT - XH của địa phương. Bên cạnh đó cần nêu cao vai trò giám sát, phản biện của cơ quan MTTQ và các đoàn thể trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và chính quyền các cấp có liên quan đến quyền lợi chính đáng của nhân dân, việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, của nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện QCDC. Gắn thực hiện QCDC với triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở. Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!  

HỒ LAN (thực hiện)