Thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

03:04, 29/04/2012

Với thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 12 vị tướng tài theo đánh giá của Hội đồng Quân sự Hoàng Gia Anh. Với Việt Nam, Võ Nguyên Giáp là niềm tự hào của dân tộc, bởi cùng với Bác Hồ và các lãnh tụ Đảng - Nhà nước, Đại tướng đã chỉ huy quân đội, làm nên chiến thắng lẫy lừng trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Với thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 12 vị tướng tài theo đánh giá của Hội đồng Quân sự Hoàng Gia Anh. Với Việt Nam, Võ Nguyên Giáp là niềm tự hào của dân tộc, bởi cùng với Bác Hồ và các lãnh tụ Đảng - Nhà nước, Đại tướng đã chỉ huy quân đội, làm nên chiến thắng lẫy lừng trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, trong những ngày tháng 4 lịch sử này, được về thăm nhà lưu niệm của Đại tướng ở Lệ Thủy, Quảng Bình là một niềm vui, tự hào của những người dân nước Việt.

Du khách tham quan viết những dòng cảm tưởng trân trọng về vị tướng tài ba, lỗi lạc
Du khách tham quan viết những dòng cảm tưởng trân trọng về vị tướng tài ba, lỗi lạc

  
Ngôi nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20 đã che nắng, che mưa Đại tướng trong những ngày niên thiếu, cắp sách đến trường và cả những năm tháng hoạt động cách mạng trong những lần hiếm hoi về thăm gia đình, bố mẹ. Đến năm 1946, sau khi bắt được bố Đại tướng, giặc Pháp phá hủy hoàn toàn ngôi nhà, xem như một sự “trả thù” “kẻ” dám chống lại nhà nước bảo hộ chính quyền phong kiến bù nhìn. Trong những năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, tuy ngôi nhà không còn, nhưng với người dân Lệ Thủy, Quảng Bình, ngôi nhà của Đại tướng vẫn tồn tại trong tâm tưởng của những người yêu nước, những người một lòng một dạ kiên trung với sự nghiệp của Đảng, của cách mạng, đó như là một biểu tượng của lòng yêu nước, của tình người, tình quê hương của những người con quyết ra đi vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Năm 1977, thể theo nguyện vọng của mọi người dân, ngôi nhà của Đại tướng được phục dựng trở lại theo đúng nguyên mẫu ban đầu. Từ khi ngôi nhà được phục dựng trở lại đã đón hàng chục ngàn đoàn đại biểu với hàng triệu lượt cán bộ, nhân dân trong nước đến viếng thăm và cứ thế, cuốn sổ viết lưu niệm ngày càng dày thêm với những dòng chữ đầy tri ân về vị tướng tài ba, cùng người thân và vùng đất đã sản sinh ra Đại tướng. Trong những trang lưu niệm, không chỉ có bút tích của các vị lãnh đạo Đảng - Nhà nước, cán bộ, nhân dân  trong nước, mà còn có những bút tích của những chính khách nước ngoài và cả những người khách quốc tế bình thường, nhưng có lòng yêu chuộng hòa bình, yêu đất nước, con người Việt Nam và khâm phục tài năng, đức độ của vị tướng tài đã cầm quân đánh tan sự xâm lược của hai cường quốc thế giới: thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Điều làm chúng tôi xúc động nhất trong câu chuyện của vợ chồng ông Võ Đại Hàm - người trông giữ nhà lưu niệm, gọi Đại tướng là ông thúc bá, kể: Trong những lần về thăm quê khi còn mạnh khỏe, ngoài việc chân thành, kính trọng những bậc cao niên trong dòng họ, thăm hỏi ân cần mọi bà con lối xóm, Đại tướng luôn dặn dò người thân, con cháu dòng họ Võ phải luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng - Nhà nước, tích cực tham gia mọi phong trào thi đua yêu nước ở địa phương để góp phần xây dựng quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình (nói riêng), nước Việt Nam (nói chung) ngày càng giàu đẹp. Ngay cả bây giờ, khi tuổi cao sức yếu, không còn về thăm quê hương được nữa, trong những lần gửi thư chúc tết bà con, dòng họ, Đại tướng vẫn không quên dặn dò con cháu, quê hương phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống yêu nước, yêu lao động của quê hương nổi tiếng với câu nói “Xe chưa qua, nhà không tiếc” trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Xúc động trước đức độ, tài ba của vị Đại tướng tuy dành hết thời gian, sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp của dân tộc, nhưng vẫn không quên dành tình cảm sâu đậm đối với con cháu, dòng họ, quê hương. Có vị khách đã viết những dòng lưu niệm nặng ân tình: “Đưa pháo binh vào, rồi lại kéo pháo ra khỏi Điện Biên khi thấy chưa đủ điều kiện thành công, để rồi sau đó làm nên một chiến thắng “Điện Biên phủ chấn động địa cầu” và với chỉ đạo “Thần tốc xốc đến, giải phóng hoàn toàn miền Nam” đã làm nên chiến thắng mùa xuân lịch sử 1975 thu giang sơn về một mối, đủ thấy tài thao lược của vị tướng tài thế giới. Và trong thời bình, khi đất nước còn gặp nhiều khó khăn, hay khi Đảng chủ trương đổi mới toàn diện đất nước, trong bất luận hoàn cảnh nào, Đại tướng vẫn là anh Văn ngày nào, vẫn là người học trò kiệt xuất của Bác Hồ một lòng tận trung với Đảng, với dân tộc và luôn giản dị, chân thành với tình yêu quê hương, đất nước, với bà con, dòng họ, đủ thấy tâm sáng “tựa sao Khuê” của vị Đại tướng “danh bất hư truyền”.

Hoàng Kiến Giang